Hội nghị Chính phủ với các địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, diễn ra trong 1,5 ngày từ 28-29/12 với quy mô toàn quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương dự hội nghị.
Hội nghị đánh giá, tổng kết kết quả công tác 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020 cũng như giải pháp, mục tiêu phát triển trong năm tới.
Năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN
Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết:
Nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 được thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt. Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.
Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 - 1933. Ở trong nước, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
Trên tinh thần chung trong chỉ đạo điều hành là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể; xây dựng các phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Do đó, kết quả đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020, cụ thể:
Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh;
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 bình quân 6,8%/năm. Tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Đáng chú ý, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Thu NSNN năm 2020 đạt 96% dự toán. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD). Thị trường nội địa được chú trọng; quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.
Đặc biệt, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Đã hình thành hệ thống pháp luật khá đầy đủ, toàn diện. Các loại thị trường vận hành cơ bản thông suốt, bước đầu gắn kết với khu vực và quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%. Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng đã được khởi công, xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước;
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả. Vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan toả cao; Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử l nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.
Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn thực chất hơn; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của nhiều DNNN được nâng lên. 12 dự án yếu kém của ngành công thương được xử lý và đạt kết quả bước đầu, một số dự án đã có lãi và giảm lỗ lũy kế; đưa 3 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban chỉ đạo.
Phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. Tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng.
Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, đó là: Tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu.
Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính một số lĩnh vực còn bất cập; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn. Kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp. Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Khiếu kiện về đất đai còn những vụ việc phức tạp, kéo dài.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Năm 2021 có nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam được đánh giá là quốc gia nhiều tiềm năng, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, cơ cấu dân số vàng; không gian phát triển rộng mở với 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.