Hà Nội: Sở Kế hoạch Đầu tư thiếu hợp tác với Sở Quy hoạch Kiến trúc

Quốc Hải| 26/03/2020 18:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã 2 lần có văn bản đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư lại thiếu hợp tác, hơn 2 tháng vẫn chưa phản hồi Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Đầu tháng 11/2019, Báo Công lý nhận được thông tin phản ảnh về việc Công ty Nam Thăng Long nhiều năm nay đã quây khu cây xanh, công viên, thể dục thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) để làm… sân tập golf.

Với mong muốn có thông tin chính thống, khách quan, đa chiều, ngày 12/11/2019, phóng viên Báo Công lý đã tới Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội đề nghị phối hợp cung cấp quy hoạch Khu đô thị Ciputra, giúp làm rõ việc trong khu đô thị này có sân tập golfkhông?

Hà Nội: Sở Kế hoạch Đầu tư thiếu hợp tác với Sở Quy hoạch Kiến trúc

Sân tập golf trong khu đô thị Ciputra nhìn từ tòa nhà Ciputra Club.

Gần một tuần sau (ngày 17/12/2019), Sở Quy hoạch Kiến trúc có Văn bản số 7263/QHKT-VP, gửi UBND TP Hà Nội xin ý kiến và ngày 6/1/2020, ông Phạm Văn Chiến, Phó Chánh văn phòng TP Hà Nội thừa lệnh ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký Văn bản số 123/VP-ĐT, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp, thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin cho Báo Công lý theo đúng quy định của Luật Báo chí.

Ngày 17/1/2020, Sở Quy hoạch Kiến trúc có Văn bản số 258/QHKT-VP gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị sở này nghiên cứu, phối hợp cung cấp cung cấp trả lời theo chức năng nhiệm vụ được giao trước ngày 20/1/2020 để Sở Quy hoạch Kiến trúc tổng hợp, trả lời Báo Công lý theo Luật Báo chí và báo cáo UBND TP Hà Nội.

Theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc, quá ngày 20/1/2020, Sở Kế hoạch Đầu tư chưa phản hồi thông tin nên ngày 12/3/2020, Sở Quy hoạch Kiến trúc tiếp tục có Văn bản số 1052/QHKT-VP gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phối hợp, cung cấp trả lời theo chức năng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tới sáng nay 26/3, Sở Quy hoạch Kiến trúc vẫn chưa nhận được phản hồi từ Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Vị đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết: Hiện sở Quy hoạch Kiến trúc đang “thúc” Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tới đây, nếu không được sở sẽ báo cáo lại UBND TP Hà Nội.

Hà Nội: Sở Kế hoạch Đầu tư thiếu hợp tác với Sở Quy hoạch Kiến trúc

Sở Kế hoạch Đầu tư thiếu hợp tác, hơn 2 tháng vẫn chưa phản hồi thông tin cho Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Như Báo Công lý đã thông tin trong bài “Khu đô thị Ciputra: Chủ đầu tư quây công viên làm… sân tập golf”. Khu đô thị Ciputra được chia làm 3 giai đoạn và Sân tập golf – Ciputra Club nằm trong khu đất thuộc quy hoạch Ciputra giai đoạn 2. Giai đoạn này có tổng diện tích khoảng 148,26ha, quy mô dân số khoảng 18.300 người

Theo tài liệu phóng viên có được, Khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 không có khu đất nào được bố trí làm sân tập golf. Sân tập golf – Ciputra Club hiện tại đang nằm trên khu đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao gồm 8 ô, tổng diện tích khoảng 22ha. Trong đó, 3 ô số 5 diện tích 5.887m2, số 15 diện tích 4.466m2, số 16 diện tích 12.699m2 được bố trí trồng và trưng bày hoa đào với các biện pháp công nghệ cao. Còn 5 ô số 7 diện tích 90.171m2, số 8 diện tích 59.582m2, số 9 diện tích 14.052m2, số 10 diện tích 4.685m2, số 11 diện tích 28.584m2 để trồng cây xanh, làm công viên vui chơi, giải trí cho cư dân trong khu vực…

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Nam Thăng Long, Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh xác nhận sân tập golf – Ciputra Club trên đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao. “Riêng tòa nhà Ciputra Club – nơi bố trí làn tập golf không nằm trong khu đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao mà được xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt”, Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh, khu vực nói trên là công viên toàn khu, cấp thành phố, được UBND TP Hà Nội giao cho Ciputra quản lý trong thời gian 50 năm, không phải cấp tiểu khu của cư dân.

Nói về việc vì sao không cho cư dân vào khu vực này, Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đang vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm nay, nên chủ đầu tư buộc phải quây lại để bảo đảm an toàn cho người dân. Sau khi giải phóng mặt bằng xong và bàn giao, đưa vào sử dụng, hết giấy phép Ciputra mới bàn giao lại cho TP Hà Nội.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sở Kế hoạch Đầu tư thiếu hợp tác với Sở Quy hoạch Kiến trúc