Giao thông

Hà Nội: Sinh hoạt cạnh tử thần

Tuấn Dũng 23/08/2023 - 14:59

Trong thời gian gần đây, mặc dù cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, xử lý. Nhưng tình trạng vi phạm về hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội.

Từ lâu, đường sắt không chỉ là nơi sinh hoạt, mưu sinh, tụ họp mà còn là nơi vui chơi của nhiều người dân.

Một điều hiển hiện là tình trạng các đường ngang do các hộ dân sống ven đường sắt tự mở đã xuất hiện khá phổ biến.

Đồng thời, hàng loạt tiểu thương buôn bán cạnh đường sắt, quán ăn, cửa hàng xuất hiện tràn lan, cùng với việc xây dựng và việc vứt bỏ phế thải bừa bãi dọc theo lối đi an toàn giao thông (ATGT) của đường sắt.

Không ít người còn để đồ đạc, xe máy gần đường ray.

Điều này mang lại nhiều nguy cơ, không chỉ là việc xâm phạm hành lang ATGT của đường sắt, mà còn tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân cũng như an ninh của ngành đường sắt.

Khi được đặt vấn đề về những hành vi nguy hiểm trên, chị Đ.T.B. (Kinh doanh trên vỉa hè sát đường sắt khu vực đường Giải Phóng) gay gắt phản hồi rằng họ đã quen với lịch trình hoạt động của tàu và sẽ nghe thấy tiếng còi báo hiệu khi tàu gần đến, vì vậy không cần quá lo lắng. Họ cần lo cơm áo hàng ngày hơn là nỗi sợ an toàn.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng. Để đối phó với lực lượng chức năng, người kinh doanh trên vỉa hè đã di chuyển vào sát đường ray tàu hỏa, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, gây nguy hiểm mỗi khi tàu đi qua.

Ghi nhận của PV Báo Công lý tại vị trí đường sắt song song với đường Giải Phóng (TP Hà Nội):

img_0073.jpg
Nhiều hộ bày bán giày dép, quần áo ngay gần đường ray tàu hỏa. Người bán người mua vô tư lựa chọn mà không biết mối nguy hiểm luôn rình rập.
img_0072.jpg
Đồ bày la liệt sát đường ray, người bán người mua ngồi la liệt bên cạnh.
img_0071.jpg
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại đây.
img_0070.jpg
Một hình ảnh rất xấu giữa Thủ đô.
img_0068.jpg
Tại khu vực này để thuận tiện cho việc đi lại, nhiều hộ dân vô tư qua lại đường ray bất chấp nguy hiểm.
img_0067.jpg
Hình ảnh đùa giỡn với tử thần sát đường ray.
img_0069.jpg
Các hộ dân xung quanh khu vực vô tư đỗ xe, để đồ bán hàng, đồ gia dụng ngay cạnh đường ray.
img_0074.jpg
Các cửa hàng đua nhau để đồ sát đường ray để sửa chữa.
img_0076.jpg
Nhiều hàng quán mọc lên sát đường ray, cây trang trí để sát cạnh mép đường ray.
img_0075.jpg
Một cửa hàng thu mua phế liệu hoạt động cạnh đường sắt công khai.

Để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt tại Thủ đô Hà Nội, cùng với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức về việc tuân thủ an toàn giao thông của cộng đồng, cần thiết phải có sự tập trung và kiên quyết hơn từ các cơ quan chức năng.

Điều này bao gồm việc triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề hành lang an toàn giao thông. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động tuần tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm giảm thiểu tối đa những tai nạn không đáng có trên hệ thống đường sắt.

Đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường sắt thì cơ quan chức năng cũng phải xem xét làm rõ nguồn gốc, giấy tờ pháp lý để xác định sẽ áp dụng biện pháp hành chính là biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi lấn chiếm hay ban hành quyết định thu hồi đất để bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân trong trường hợp họ đủ điều kiện để được bồi thường hỗ trợ tái định cư theo quy định pháp luật.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quy định như sau:

Hành lang an toàn đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ đường sắt, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.

Cũng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 56/2018/NĐ-CP về hành lang an toàn giao thông đường sắt:

1. Chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau:

a) Đường sắt tốc độ cao: Trong khu vực đô thị là 5 mét, ngoài khu vực đô thị là 15 mét. Đối với đường sắt tốc độ cao, phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép; b) Đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3 mét.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Luật đường sắt có hiệu lực ngày 16/06/2017 quy định: Nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hành lang đường sắt đô thị được quy định tối thiểu 3m, nếu là đường cao tốc thì tối thiểu 5m. Việc lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang đường sắt là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Tại Điểm h, Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

“…2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

h) Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định này;…”

Tại Điểm d, khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

“…3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định này;…”

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 53 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường sắt

"....3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải hoặc các vật phẩm khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt hoặc trong khu vực ga, đề-pô, nhà ga đường sắt;...."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sinh hoạt cạnh tử thần