Đó là nguyên nhân tại sao nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ muốn cho con ở nhà chơi với đồ chơi điện tử hơn là đưa con ra các khu vui chơi, giải trí.
Trong khi các khu đô thị mới ở Hà Nội xuất hiện và ngày càng được mở rộng, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân được đầu tư xây dựng ồ ạt như nấm mọc sau mưa, thì quỹ đất làm không gian công cộng dành cho thiếu nhi vui chơi tại trung tâm và các quận huyện của thủ đô Hà Nội lại ngày càng bị thu hẹp.
Nơi quá tải, nơi bỏ không
Công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo… từ lâu là những địa điểm nổi tiếng dành cho trẻ em trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Đó là nơi lí tưởng để các gia đình đưa con đi thăm thú, picnic vào các ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, các địa điểm này không còn thu hút nhiều trẻ em nữa.
Thủ Lệ là một trong những ví dụ điển hình. Với diện tích 20 ha tọa lạc trên khu đất đẹp, có gờ đất chạy bao quanh hồ nước cùng nhiều hàng cây cổ thụ rợp bóng mát, Thủ Lệ mang đến một không gian yên tĩnh, trong lành giữa thành phố. Đây không chỉ là vườn thú với hàng nghìn cá thể các loài động vật quý, mà còn là khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, đến nay hàng loạt mô hình đồ chơi đã bị “đắp chiếu”, bỏ không vì không có khách. Những chiếc ô tô điện, tàu hỏa, cầu trượt, thú nhún bạc màu, bụi phủ đầy trên bề mặt. Vườn thú có nhiều loài động vật quý hiếm, đến nay nhiều chuồng, trại đang trong tình trạng trống không. Số lượng cá thể loài được nuôi ngày càng suy giảm rõ rệt. Những người bán hàng lâu năm ở đây cho biết, trừ vài ngày nghỉ lễ tết, những ngày thường hay dịp cuối tuần, trẻ em đến thăm quan, vui chơi không nhiều như trước.
Khu vực vui chơi giải trí vắng khách từ lâu
Số lượng các cá thể loài ngày càng suy giảm, thậm chí biến mất
Ở một số khu đô thị như Mỹ Đình, các khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính, Lê Văn Lương…, mỗi nơi đều có khu vực dành cho thiếu nhi nhưng diện tích hạn hẹp, đồ chơi để ngoài trời không được bảo quản thường xuyên nên xuống cấp nhanh chóng. Các nhà văn hóa địa phương được xây dựng với mục đích là nơi vui chơi giải trí cho người dân, đặc biệt là trẻ em, cũng rơi vào tình trạng vắng bóng.
Trong khi đó, tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, vào buổi tối và cuối tuần lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Nhiều phụ huynh cho biết họ thường đưa con đến đây tô tượng, chơi trò chơi, học múa hát sau các giờ học căng thẳng. Nằm trong khu vực trung tâm, diện tích khá hạn hẹp nhưng đây lại là địa điểm được nhiều em nhỏ yêu thích, vào các ngày nghỉ, Cung Thiếu nhi luôn chật cứng người.
Một số địa điểm khác như vườn hoa Lý Thái Tổ, công viên Lênin cũng là tụ điểm vui chơi của thiếu nhi và cả người lớn.
Sử dụng sai mục đích
Nhà văn hóa thôn Phú Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm) được xây dựng khang trang, là nơi vui chơi, giao lưu văn hóa cho người dân trong khu vực. Thế nhưng, thật khó có thể tìm thấy em nhỏ nào chơi trong sân nhà văn hóa bởi nơi đây đã được trưng dụng làm… bãi gửi xe ô tô qua đêm và sân tập bóng chuyền cho người lớn vào ban ngày. Ông Trần Đức Văn, một người dân thôn Phú Mỹ cho biết, nhà ông có một đứa cháu nhỏ nhưng ông bà chỉ cho cháu ở nhà chơi hoặc sang hàng xóm chứ không đưa ra nhà văn hóa.
Tại các khu chung cư trên đường Lê Văn Lương, các khu tập thể của phường Nghĩa Tân, Giảng Võ… là nơi tập trung đông dân cư sinh sống, số lượng trẻ em nhiều nhưng sân chơi tập thể lại chỉ có diện tích đủ cho 10 - 20 bé vui chơi. Nhiều sân chơi đã hạn hẹp diện tích còn bị trưng dụng làm nơi phơi quần áo, kinh doanh, cắt tóc, bán hàng ăn hay trông giữ xe đạp, xe máy.
Sân chơi cho trẻ em ở khu tập thể thuộc phường Nghĩa Tân bị trưng dụng làm sân phơi
Ở các công viên, người lớn đến thăm quan, vui chơi nhiều gấp 2-3 lần trẻ em. Với nhiều ghế đá, cây cối, đây trở thành nơi hẹn hò lý tưởng của các cặp đôi. Giữa nơi vui chơi cho trẻ em, nhiều thanh niên nam nữ ngang nhiên thể hiện tình cảm không chút ngại ngần, khiến phụ huynh cảm thấy ái ngại khi cho trẻ đi chơi công viên. Thậm chí, tại những chỗ vắng khuất còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa như ma túy, mại dâm.
Để tránh phiền phức và tìm một nơi vui chơi lí tưởng cho con, nhiều phụ huynh đã lựa chọn các trung tâm thương mại, khu sinh thái hay công viên nước để đưa con đi giải trí. Đây là những địa điểm được đầu tư cơ sở, trang thiết bị hiện đại, độ an toàn cao, tuy nhiên chi phí không hề rẻ.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên ngân hàng cho biết, vợ chồng anh có thu nhập tương đối ổn định nên anh thường cho con đi chơi ở Thế giới giải trí trong Vincom, mỗi lần như vậy anh mất từ 200 - 300 ngàn đồng để mua xèng, nếu chơi thả phanh thì có thể mất đến vài triệu chỉ trong 1 - 2 tiếng đồng hồ.
Băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh
Do thiếu chỗ vui chơi, nhiều trẻ em đã vô tư chơi các trò chơi ở ngoài đường, gần nơi xe cộ qua lại đông đúc, có nguy cơ gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Các ngã tư có vòng xuyến rộng được trưng dụng làm…sân đá bóng, vỉa hè là nơi… đánh cầu lông bởi trẻ không lường trước được những nguy hiểm có thể xảy ra.
Trẻ em hồn nhiên chơi cầu lông ở... vỉa hè ngã tư Kim Mã - Liễu Giai vào giờ tan tầm
Mới chuyển về một căn hộ chung cư Green Park trên đường Dương Đình Nghệ cho gần cơ quan, chị Trang kể đây là khu chung cư cao cấp với hàng trăm hộ dân sinh sống, số trẻ nhỏ rất đông. Hai tòa tháp cao hơn hai chục tầng tọa lạc trên diện tích rất rộng nhưng khu vui chơi của các em lại là sảnh trước và sau tòa nhà – nơi khách đến qua lại và xe cộ dừng đỗ thường xuyên.
Vào các buổi chiều, các cháu bé hiếu động đạp xe quanh tòa nhà. Qua khu đất trống phía sau là nơi ở của nhiều người dân lao động tự do. Các em nhỏ hơn có người lớn đi kèm chỉ chạy nhảy ở sảnh trước, chật chội và không có đồ chơi. Chị chỉ mong ban quản lý tòa nhà sẽ tạo một khu vui chơi riêng dành cho thiếu nhi, nơi các bé có thể thỏa thích chạy nhảy, leo trèo một cách an toàn và thoải mái.
Trẻ em cần lắm những khu vui chơi rộng rãi, thoáng mát, an toàn, gần gũi với thiên nhiên
Các khu di tích, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, bảo tàng lịch sử cũng là những địa điểm mà bất cứ người cha, người mẹ nào cũng muốn đưa con đến để giới thiệu, cho con thêm hiểu biết và kiến thức. Tuy nhiên, không nhiều trẻ em thích quay lại thêm lần thứ hai bởi chúng không bị hấp dẫn và thu hút khi đến những nơi này.
Anh Hoàng Anh Tú – anh “Chánh văn” được nhiều học trò yêu thích từng chia sẻ trên mạng xã hội sau một lần đưa các con đến thăm Bảo tàng Dân tộc Việt Nam. Anh suy nghĩ: “Các bảo tàng hiện nay tụi nhỏ chỉ vào 1 lần rồi không muốn vào nữa bởi tính “chết dí” của các bảo tàng hay bởi người làm bảo tàng hiện nay tư duy “chết dí”? Khi vào bảo tàng, tụi trẻ chỉ thấy các nhà làm bảo tàng “khoe kiến thức” chứ không có ý muốn lôi kéo tụi trẻ ham muốn tìm tòi. Viện bảo tàng phải chăng chỉ là thứ nhà kho theo chủ đề?”
Những nỗi băn khoăn đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay, khi trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước, sinh sống và học tập tại thủ đô – trung tâm văn hóa của cả nước, lại đang đứng trước nguy cơ không được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần vì không có khu vui chơi, giải trí riêng, đáp ứng đủ nhu cầu của thiếu nhi.
Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ trẻ em nhấn mạnh, "trước hết, mỗi khu dân cư khi làm quy hoạch đất, phải có một phần diện tích dành cho việc đầu tư, xây dựng thư viện, điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em. Điều này vừa có lợi về mặt kinh tế, vừa mang lại hiệu quả xã hội rộng lớn. Đừng nghĩ quỹ đất dành cho điểm vui chơi thì không sinh lời và xem nhẹ. Trẻ em là tương lai của đất nước. Đầu tư cho trẻ em phát triển toàn diện chính là sự đầu tư bền vững, hiệu quả và ý nghĩa nhất”. |