Dù không thiếu nguồn cung, nhưng dòng tiền đầu tư lại đang âm thầm dịch chuyển khỏi Thủ đô, khi phân khúc đất thổ cư đang lao dốc mạnh mẽ cả về thanh khoản lẫn sức hấp dẫn.
Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Thị trường và Am hiểu Khách hàng One Mount Group, quý I/2025, toàn thị trường Hà Nội chỉ ghi nhận khoảng 18.300 giao dịch, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc đất thổ cư với mức sụt giảm nghiêm trọng.
Ngay cả những quận từng sôi động như Đống Đa, Hoàng Mai, Gia Lâm, Long Biên cũng rơi vào cảnh trầm lắng. Đáng chú ý, Đống Đa – một “điểm nóng” truyền thống – ghi nhận lượng giao dịch tháng 3 giảm tới 70% so với tháng trước.
Tại Hoàng Mai, giao dịch trong tháng 3 giảm 26% so với tháng 2, và 40% so với cùng kỳ 2024. Những điểm sáng như Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng hay Đại Kim chỉ giữ được mức thanh khoản khiêm tốn nhờ hạ tầng cải thiện và phù hợp với nhu cầu ở thực.
Gia Lâm và Hà Đông, hai “cánh tay phải” của nhà đầu tư trong nhiều năm qua, cũng ghi nhận mức giảm giao dịch lần lượt là 57% và 52% trong tháng 3. Long Biên – nơi thường được đánh giá là “đất lành” – bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt.
Điều đáng nói là, mặt bằng giá đất thổ cư vẫn chưa hạ nhiệt, phổ biến ở mức 4 – 5 tỷ đồng/căn, vượt xa khả năng của người mua ở thực và kém hấp dẫn với giới đầu tư tìm kiếm lợi suất ngắn hạn.
Phần lớn chủ nhà vẫn mang tâm lý “giữ hàng, chờ thời”, dẫn đến hiện tượng “cắt lỗ” chưa xuất hiện trên diện rộng. Thị trường đang rơi vào thế giằng co – người bán không muốn giảm, người mua không mặn mà xuống tiền.
“Đây là giai đoạn điều chỉnh cần thiết sau chu kỳ tăng nóng. Chỉ khi giá quay về sát nhu cầu thực, dòng tiền mới khơi thông trở lại”, anh Nguyễn Quang Hưng – Giám đốc một sàn giao dịch tại Hà Đông nhận định.
Không chỉ là hệ quả của nhu cầu suy yếu, đà giảm thanh khoản tại Hà Nội còn đến từ sự dịch chuyển chiến lược của giới đầu tư.
Thay vì tiếp tục đổ vốn vào khu vực nội đô – nơi giá đất đã chạm trần, nhiều nhà đầu tư đang lặng lẽ "chuyển hướng" về các địa phương lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, nơi có biên độ tăng giá lớn hơn nhờ thông tin quy hoạch, hạ tầng và sáp nhập hành chính.
“Nếu Hà Nội là thị trường giữ tài sản, thì vùng ven giờ là nơi khai thác lợi nhuận”, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ.
Trong bối cảnh thị trường đất thổ cư Hà Nội rơi vào chu kỳ “hạ nhiệt”, người mua ở thực có thể sẽ là lực kéo quan trọng trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, với mặt bằng giá hiện tại, để thị trường ấm lên trở lại, có lẽ cần một cú hạ cánh mềm về giá, đi kèm chính sách tín dụng hợp lý.