Hà Nội lý giải nguyên nhân đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỗ 160 tỷ

Chí Tâm| 14/11/2022 14:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lý giải về số lỗ lũy kế gần 160 tỷ đồng, UBND Hà Nội cho biết có tới 139 tỷ đồng là chi phí "nuôi" Hanoi Metro trong lúc chờ dự án Cát Linh - Hà Đông vận hành.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro). Theo cử tri, trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của Hanoi Metro, năm đầu tiên vận hành đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông lỗ lũy kế 160 tỷ đồng, đề nghị TP cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên.

duong-sat.jpeg
Hiện mỗi ngày có 203 chuyến Metro Cát Linh - Hà Đông phục vụ chở khách

UBND TP Hà Nội cho biết, từ khi thành lập ngày 27/11/2014 đến ngày 5/11/2021 (thời điểm chính thức đưa tuyến đường sắt số 2A Cát Linh-Hà Đông vào vận hành thương mại), Hanoi Metro không có phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, để bảo đảm duy trì hoạt động của công ty và sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn lực khi được bàn giao, tiếp nhận vận hành tuyến đường sắt số 2A theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Thành ủy, UBND TP, công ty phải thực hiện chi trả lương và các khoản theo lương (bảo hiểm, phúc lợi…) cho người lao động để bảo đảm đời sống và giữ chân người lao động, chi phí thuê trụ sở, chi phí hành chính, mua sắm các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công việc, chi phí đào tạo với số tiền 139 tỷ đồng.

Đến ngày 6/11/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), Công ty Đường sắt đô thị Hà Nội và Sở Tài chính Hà Nội đã ký biên bản bàn giao và chính thức đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty Đường sắt đô thị Hà Nội đã được kiểm toán cho thấy lỗ luỹ kế từ khi thành lập đến cuối 2021 là 159 tỷ đồng. Trong đó, số chi phí phát sinh từ khi thành lập ngày 27/11/2014 đến ngày 5/11/2021 là 139 tỷ đồng; lỗ phát sinh từ ngày 6/11 đến 31/12/2021 là 20 tỷ đồng.

Nguyên nhân hoạt động 2 tháng cuối năm 2021 thua lỗ là do chỉ đạt 874.000 lượt khách, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến khoảng 4,9 triệu lượt hành khách.

Ngoài ra, do hệ thống mạng đường sắt đô thị chưa kết nối đồng bộ các tuyến nên chưa hấp dẫn người dân. Mặc dù lượng hành khách đi chưa cao, song chi phí vận hành (điện, nhân công…) không thể cắt giảm. Giai đoạn đầu đưa vào vận hành tuyến 2A, giá vé tạm tính, với số lượng người tham gia giao thông bằng đường sắt chưa cao thì doanh thu bán vé không đủ để bù đắp các chi phí phát sinh liên quan.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết giải pháp khắc phục, theo đó, để tạo sự khớp nối với hệ thống giao thông chung của Thành phố, sự tiện lợi cho người dân trong việc di chuyển bằng đường sắt đô thị; Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội đã điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt có lộ trình trùng với tuyến đường sắt số 2A, bổ sung các tuyến xe buýt mới đi từ các nhà ga, mở mới các bãi đỗ xe gần các nhà ga để tăng sự khớp nối trong hệ thống giao thông chung nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân khi di chuyển bằng phương tiện đường sắt đô thị.

Qua đó, tăng số lượng hành khách, tăng doanh thu bán vé của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội sẽ không phát sinh thêm lỗ, ngoài ra đẩy mạnh khai thác thương mại trên toàn tuyến để tạo thêm nguồn thu, bù đắp số lỗ lũy kế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội lý giải nguyên nhân đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỗ 160 tỷ