Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đã khống chế ổ dịch viêm não mô cầu tại Trung tâm Nhật ngữ (Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội).
Thông tin từ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), hiện cách ly 3 bệnh nhân, trong đó một người được xác định nhiễm não mô cầu, 2 người còn lại tiếp xúc gần với bệnh nhân và có biểu hiện sốt.
Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, sốt khoảng 3-4 ngày rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê. Khi mới có dấu hiệu sốt, đau đầu, người bệnh vẫn đi học bình thường, tiếp xúc với các bạn cùng lớp.
Viêm não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong sau 24 giờ
ThS.BS Đào Hữu Thân, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông tin về ca bệnh viêm não mô cầu, đội ứng phó dịch đã tiến hành khử khuẩn tại Trung tâm Nhật ngữ, giám sát chặt chẽ. Qua đó đã phát hiện hai bạn học của nữ sinh này cũng đang có biểu hiện đặc trưng của viêm não mô cầu. Cả hai trường hợp này đều được gửi tới viện điều trị, cách ly và đến thời điểm này đã ổn định sức khỏe, tiếp tục theo dõi, có thể ra viện trong 1-2 ngày tới.
Các học viên, giáo viên tại Trung tâm từng tiếp xúc với bệnh nhân đều đã được lập danh sách theo dõi và được uống kháng sinh dự phòng bệnh. “Khi đã được uống kháng sinh dự phòng, về cơ bản là yên tâm không lây nhiễm bệnh”, ThS.BS Đào Hữu Thân nói.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm màng não do não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu gây nên, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể lây lan thành dịch. Bệnh thường xảy ra đột ngột, bất ngờ với sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, có thể có ban xuất huyết trường hợp nặng có thể sốc, tỷ lệ tử vong có thể đến 15% các trường hợp mắc bệnh. Mọi người đều có thể mắc bệnh này, thông qua hít phải các giọt bắn từ dịch đường hô hấp của người bị bệnh hoặc người lành nhưng có mang vi khuẩn trong hầu, họng.
Những vết ban trên da của một bệnh nhân viêm màng não mô cầu
Bệnh nhân được nghi ngờ mắc viêm não mô cầu khi có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước… Hiện có vaccine phòng bệnh với các tuýp huyết thanh A, B và C, đều là tiêm dịch vụ và hiện Hà Nội cung ứng đủ dòng vaccine này.
Tại Việt Nam, bệnh rải rác quanh năm. Tại Hà Nội, những năm gần đây trung bình mỗi năm ghi nhận vài trường hợp nhưng chưa có vụ dịch nào xảy ra.
Để phòng tránh bệnh, mọi người có thể thực hiện các biện pháp sau: - Tiêm vắc xin phòng bệnh: Hiện nay có nhiều loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, nhưng mỗi loại chỉ phòng được 1 số típ vi khuẩn gây bệnh nhất định. Vắc xin cũng chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên khi có nhu cầu tiêm chủng vắc xin này mọi người cần đến các phòng tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm phòng. - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mũi họng. - Tránh làm việc quá sức - Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị mắc bệnh, nếu không bắt buộc phải dùng khẩu trang và thuốc dự phòng. - Nơi ở, nơi làm việc nên để thông thoáng. - Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn và nôn, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị đồng thời thông báo cho các Trạm Y tế, Trung tâm Y tế để thực hiện các biện pháp phòng bệnh. |