Ngành y tế đã tập trung thực hiện các biện pháp để khống chế dịch sốt xuất huyết (SXH) nhưng bên cạnh đó rất cần sự chủ động phòng, chống của người dân.
TS. Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến ngày 10/6, Hà Nội đã phát hiện 1.281 ca mắc SXH, cao gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, đã có một trường hợp tử vong.
Các quận huyện có số bệnh nhân mắc cao nhất là Đống Đa (372 ca), Hoàng Mai (253 ca), Thanh Xuân (84 ca), Hà Đông (77 ca) và Hai Bà Trưng (11 ca). Dịch đã có mặt ở 28/30 quận, huyện, chỉ còn hai địa phương chưa có SXH là huyện Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.
Sở Y tế Hà Nội vừa ghi nhận một nữ bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết
Các trung tâm y tế dự phòng tuyến quận, huyện đã tiến hành xử lý 200 ổ bệnh lớn, nhỏ; tổ chức các chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh SXH cho hơn 16 nghìn hộ sinh sống tại các quận có nhiều người bệnh; đồng thời các quận, huyện đã và đang đồng loạt triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống SXH, tính đến nay đã có 276 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy được thực hiện tại các nơi có ổ dịch đang hoạt động hoặc những nơi có nguy cơ cao…
PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, bệnh nhân SXH ghi nhận rải rác trong các tháng, nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và lây truyền mạnh.
Bên cạnh đó, bệnh này cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. Theo dự báo, đỉnh dịch thường xuất hiện vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Chu kỳ dịch sốt xuất huyết thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có thay đổi. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cần sự tham gia tích cực hơn nữa của cả cộng đồng. Bởi vì, nếu như các cấp chính quyền, ngành y tế vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được 90%, nhưng chỉ còn 10% người dân phản đối hoặc thực hiện theo kiểu ứng phó không chủ động diệt muỗi, bọ gậy dịch bệnh vẫn có thể bùng phát. Muỗi tại các hộ gia đình sẽ tiếp tục sinh sôi và phát triển. Như vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ rất vất vả, dịch bệnh tiếp tục hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người dân và cả cộng đồng…
“Do bệnh SXH hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có cả thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Khi nghi ngờ SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà.”- ông Nguyễn Nhật Cảm lưu ý.