Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất tăng giá viện phí 1.348 dịch vụ, kỹ thuật còn lại chưa được điều chỉnh giá trong lần điều chỉnh hồi tháng 8/2013 với mức tăng chung là 20% cho tất cả các hạng bệnh viện.
Khi nâng viện phí ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân .
Trước đó, tháng 8/2013, Hà Nội đã điều chỉnh giá viện phí lần 1 (theo quy định tại Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính) với tổng cộng 819 dịch vụ, kỹ thuật, phẫu thuật thủ thuật. Trong lần điều chỉnh đầu tiên trên còn 1.348 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn giữ nguyên giá.
Lần này, UBND thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh giá của 1.348 dịch vụ còn lại ở trên, cộng với 135 dịch vụ có tên trong thông tư 43 của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1/2/2014, đã được các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội thực hiện nhưng chưa có giá, khiến Bảo hiểm xã hội thành phố chưa có cơ sở để thanh, quyết toán. Theo đó, mức tăng viện phí được đề xuất cụ thể như sau: Với bệnh viện hạng I tăng từ 80% lên 100%; bệnh viện hạng II tăng từ 75% lên 95%; bệnh viện hạng III, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh tăng từ 70 lên 90%. Với trạm y tế, mức tăng từ 65% lên 85%. Ví dụ như kỹ thuật mài răng làm cầu răng sẽ tăng từ 640.000 đồng lên 800.000 đồng; chọc sinh thiết u vùng mặt tăng từ 360.000 đồng lên 450.000 đồng; dẫn lưu áp xe thực quản tăng từ 1.350.000 đồng lên 1.800.000 đồng…
Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay có một số bệnh viện hạng II có chuyên khoa đầu ngành đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật cao (thuộc tuyến Bệnh viện hạng I và tuyến Trung ương), nhưng không được áp dụng mức giá của bệnh viện hạnh I, trong khi chi phí đầu vào như nhau dẫn tới thu không đủ bù chi. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội đề xuất các bệnh viện tuyến dưới nếu đủ điều kiện thực hiện dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên thì được áp dụng mức giá tương đương với mức giá đang áp dụng đối với dịch vụ kỹ thuật cùng loại của các bệnh viện tuyến trên.
Giải thích nguyên nhân đề xuất tăng giá viện phí lần này, UBND thành phố cho biết: năm 2013, thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 Liên Bộ Y tế - Tài chính về việc ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 13/NQ-HĐND phê duyệt giá cho 2.170 dịch vụ kỹ thuật với 6 phụ lục kèm theo, trong đó phụ lục 6 có 1.348 dịch vụ kỹ thuật là giá giữ nguyên của Quyết định số 6889/QĐ-UBND (tức là vẫn giữ nguyên giá trên cơ sở chỉ là mức thu một phần viện phí và mức cao nhất cũng chỉ có 80% và thấp nhất là 65% theo quy định tại Thông tư số 03/2006). Về thực chất đây chỉ là giá thu một phần viện phí, chưa đủ chi phí để triển khai thực hiện các dịch vụ kỹ thuật này.
Trong khi Bộ Y tế đã phê duyệt giá cho các bệnh viện Trung ương và bộ, ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội ở mức 100% khung giá quy định tại Thông tư số 03/2006, trong khi đó qua 8 năm thực hiện giá của 1.348 dịch vụ kỹ thuật đã bất cập, thu không đủ bù đắp chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi người khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm Y tế, đồng thời gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa. Liên ngành đã đề xuất cho phép điều chỉnh giá của 1.348 dịch vụ kỹ thuật của phụ lục 6 này được điều chỉnh lên 20% của Thông tư số 03/2006 ở mỗi hạng bệnh viện. Như vậy, về cơ bản giá các dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện hạng I là 100%; hạng 2 là 95%; hạng 3 là 90% và trạm y tế là 85% mức tối đa của Thông tư số 03/2006.
Tuyết Mai