Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng HN, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có hơn 2.000 ca mắc sốt xuất huyết. Trong số đó, có tới 40 - 45% số ca mắc là người lao động ngoại tỉnh và học sinh, sinh viên.
Căn cứ vào con số hơn 2.000 ca mắc sốt xuất huyết, TS. Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm cho hay, số ca mắc năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái và đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến tập trung ở một số quận, huyện trọng điểm có nguy cơ về sốt xuất huyết cao.
Ông Cảm khẳng định, những nơi có các điều kiện về môi trường không được đảm bảo, tập trung quá đông dân cư cũng như vấn đề thiếu nước sạch luôn là những nơi tiềm ẩn nguy cơ trở thành ổ dịch và khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Dịch sốt xuất huyết có chiều hướng diễn biến rất phức tạp
Theo quy luật, bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng từ tháng 7, 8 và đỉnh điểm của dịch là từ tháng 9,10, đến tháng 11 thì dịch chững lại và đi xuống vào tháng 12. Chính vì thế, Sở Y tế Hà Nội quyết tâm dập dịch trong thời gian sớm nhất và phấn đấu khống chế dịch trong tháng 9 và tháng 10.
Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã bao vây các vùng và xử lý triệt để các ổ dịch. Theo thống kê mới nhất, số ổ dịch đang hoạt động còn lại là 45, những ổ dịch khác đã được khống chế. Tuy nhiên, theo ông Cảm năm nay thời tiết diễn biến thất thường cùng với tháng 9 là tháng tựu trường nên có một lượng lớn học sinh, sinh viên đổ về Hà Nội, điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất có diễn biến ngày càng phức tạp. Qua giám sát, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội ghi nhận khoảng 40-45% số mắc sốt xuất huyết là người lao động ngoại tỉnh và học sinh, sinh viên.
Chính vì thế, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết sẽ tập trung quyết liệt vào những nơi có môi trường kém, tập trung nhiều người thuê trọ, mật độ dân cư cao, thiếu nước sạch.
Việc phòng chống, khoanh vùng, dập dịch sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn do bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng, chống hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi trưởng thành và diệt bọ gậy.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, tại Hà Nội chỉ có khoảng 60% người dân phối hợp với y tế để phun hóa chất trong nhà, còn lại là không hợp tác hoặc đi vắng. Ở các gia đình chưa phun hóa chất muỗi sẽ có điều kiện sinh sống và đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước như bể, chum, vại, lọ hoa, bể cây cảnh…
Để tránh dịch sốt xuất huyết bùng phát và lây lan trong cộng đồng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, phường huy động lực lượng công an hỗ trợ cán bộ y tế trong việc vận động, tuyên truyền, thuyết phục các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ chưa hợp tác với y tế trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.