Chuyên gia y tế cho biết, hương hoa sữa thơm nồng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì thế không nên lựa chọn trồng trong đô thị, khu đông dân cư.
"Ám ảnh" hoa sữa
Những ngày gần đây, ở Hà Nội, dường như chủ đề được quan tâm nhiều nhất chính là hương hoa sữa. Trên mạng xã hội, người ta thi nhau than thở về nỗi bức xúc, mệt mỏi do mùi thơm quá đậm đặc của nó gây ra. Thậm chí, có người còn kiến nghị thành phố nên chặt hoặc tỉa bớt hoa sữa để họ đỡ phải chịu khổ.
GS Nguyễn Anh Trí - một chuyên gia y tế cho biết, cây hoa sữa gây dị ứng cho người có cơ địa nhạy cảm với phấn và hương hoa. Có không ít trường hợp, nhất là trẻ nhỏ bị dị ứng phấn và mùi hương của hoa gây viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Hoặc với những người đã mắc các bệnh như hen suyễn, viêm xoang thì càng khó khăn hơn. Ngoài ra phấn hoa còn có thể gây dị ứng ngoài da.
Người dân đang khó chịu với loài hoa thân thuộc của mùa thu Hà Nội. Ảnh Toàn Vũ
Theo GS Trí, phải thừa nhận mùi hoa sữa thoảng thoảng sẽ rất thú vị, tùy theo mỗi người sẽ có mức độ thích khác nhau và cái đó chúng ta không nên phản đối, "vì mỗi người có quyền yêu ghét của riêng họ".
Tuy nhiên, về mặt thống kê, một chuyên gia về hô hấp cho hay, vào mùa hoa sữa có 40% bệnh nhân dị ứng đường hô hấp đều liên quan đến loại hoa này. Dị ứng mùi hoa sữa là không chỉ về đường hô hấp mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác, gây nổi mề đay toàn thân. Đặc biệt số gặp nhiều nhất là trẻ em, đó mới là điều đáng lo.
"Không chỉ dị ứng hoa sữa đơn thuần mà khi tế bào miễn dịch bị "kích hoạt" sẽ dẫn đến dị ứng với nhiều loại phấn hoa khác, xa hơn là có thể dị ứng với các loại thuốc mà trong cuộc đời người bị dị ứng đó phải dùng và họ trở thành người có cơ địa dị ứng", GS Trí lo ngại.
Vì vậy, dù có những người rất thích hoa sữa, bên cạnh đó lại có những người bị ốm vì hoa sữa thì chúng ta chọn chỗ nào cho hợp lý?
"Rõ ràng chúng ta phải ưu tiên những người không bảo đảm sức khỏe khi ngửi mùi hoa sữa. Trong cộng đồng, không phải một, hai người mà có rất nhiều người dân, nhiều cháu nhỏ bị ảnh hưởng sức khỏe như vậy thì phải ưu tiên", GS Trí nhấn mạnh.
Nhiều địa phương đã chặt hoa sữa
Trước đây, ở Trà Vinh từng có vụ "kiện hoa sữa" vì loài hoa này được trồng quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến không gian sống, đặc biệt là với sức khỏe người già trẻ em. Nhiều lần đưa ra chính quyền không được xử lý, các hộ dân đã đâm đơn kiện ban ngành đô thị tỉnh Trà Vinh vì trồng cây gây ô nhiễm môi trường.
Ở Bình Định, người dân than thở bị nhức đầu, dị ứng vì mùi hoa sữa, khiến lãnh đạo thành phố đã chặt bỏ hơn 3000 cây hoa sữa. Trước đây, các tuyến đường nội thành Quy Nhơn trồng hơn 4.000 cây hoa sữa nhưng mỗi khi ra hoa mùi hương quá nồng, công ty cây xanh đã di dời, chặt bỏ còn khoảng 900 cây.
Thành phố Quy Nhơn thực hiện chặt bỏ hơn 3000 cây hoa sữa.
Tại TP Đà Nẵng, cuối năm 2011, chính quyền đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh.
Năm 2012, TP Nha Trang (Khánh Hòa) từng chi 6 tỷ đồng để chặt phá, thay thế hơn 1.000 cây hoa sữa vì làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Rõ ràng, mùi hương hoa sữa thoang thoảng, thì thầm như thơ ca xướng tụng đã là "ác mộng" đối với người dân miền Trung và là bài học cho các đô thị.
"Do vậy, việc ủng hộ thì vẫn ủng hộ, nhưng hợp lý thì phải hợp lý. Dù có thích mấy vẫn phải nghĩ đến nhân dân, nhân dân mình đang khổ vì hoa như thế tại sao mình lại cứ đeo bám một niềm thích", GS Trí nêu quan điểm.
Về giải pháp đối với Hà Nội, GS Trí cho rằng, trong thành phố chỉ nên trồng cây có hoa đẹp, nhưng không có phấn, không có hương có thể gây ra dị ứng. Nếu trồng hoa sữa thì phải trồng cách nhà dân ít nhất 50m trở lên và mỗi cây cách nhau phải hơn 1km.