Bộ Tài nguyên - Môi trường đang công khai lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi từ nay cho hết tháng 4/2023. Trong đó có nội dung dự thảo bỏ đối tượng hộ gia đình sử dụng đất.
Theo Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.
Bản dự thảo Luật Đất đai, được đăng tải công khai tại trang thông tin Bộ Tài nguyên- Môi trường (địa chỉ https://luatdatdai.monre.gov.vn; https://luatdatdai.monre.gov.vn/tham-van-du-thao-luat ) để lấy ý kiến người dân trước khi được thông qua.
Đáng chú ý, tại Điều 3, Dự thảo có 52 khoản so với 30 khoản tại Điều 3, Luật Đất đai 2013 (thêm 22 khoản mới), lưu ý không còn khái niệm “hộ gia đình” sử dụng đất.
Tại Luật Đất đai 2013 khái niệm “hộ gia đình” được nhắc đến tại khoản 29, Điều 3: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Tại khoản 30, Điều 3: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó. Hộ gia đình được xem là một chủ thể độc lập khi tham gia các quan hệ dân sự, được quy định tại Điều 101, Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, hộ gia đình được hiểu là những người có quan hệ “hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng” và “hộ gia đình sử dụng đất” là người có hôn nhân, người có huyết thống, người có quan hệ nuôi dưỡng cùng sử dụng đất.
Theo khoản 29 nêu trên được hiểu là khi Nhà nước cấp GCNQSDĐ ở thời điểm gia đình có các thành viên đó thì được hiểu đất của hộ gia đình, chứ không phải đất của riêng đại diện hộ gia đình là vợ và chồng. Từ đây hình thành quyền quản lý, sử dụng, định đoạt (quyền sử dụng) của từng cá nhân thành viên gia đình đối với đất theo Điều 212, Bộ Luật dân sự 2015 là sở hữu chung của các thành viên gia đình.
Tại khoản 2, Điều 212, Bộ Luật dân sự 2015 quy định phương thức giải quyết khi tranh chấp: “Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình…”.
Tuy nhiên, quy định “hộ gia đình” sử dụng đất trong thực tiễn đã có những bất cập, từ đó gây cản trở cho người có quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai của cơ quan Nhà nước.
Tình huống người sử dụng đất thuộc chủ thể hộ gia đình muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất phần của mình, nhưng một hay nhiều thành viên trong hộ không đồng ý dẫn đến tranh chấp. Thường là các vụ khởi kiện tranh chấp chia tài sản, dai dẳng gây thiệt hại cho người khởi kiện, cũng như các thành viên khác không có yêu cầu khởi kiện.
Dự thảo Luật Đất đai mong được người dân góp ý để sớm hoàn thiện (minh họa).
Trường hợp, thời điểm cấp GCNQSDĐ thì có các thành viên hộ gia đình, sau này thành viên đó đi nước ngoài, đi làm ăn sinh sống tỉnh khác, hoặc chết đi. Việc phân chia tài sản đối với thành viên còn lại vô cùng khó khăn, mất thời gian về mặt địa lý, hay hoàn thành thủ tục thừa kế… hoàn thành thì mới có thể giải quyết được.
Có trường hợp thực tế, vợ chồng đã có đất, sau đó nhận nuôi con nuôi, rồi được Nhà nước cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình sau đó. Về sau, người con nuôi nghiễm nhiên được một phần sở hữu chung đối với đất của bố mẹ nuôi, mặc dù không có bất kỳ đóng góp nào. Sau này người con nuôi bất hiếu, bỏ bê cha mẹ, nhưng quay lại đòi chia đất, mặc dù ý chí vợ chồng là không đồng ý, nhưng theo luật vẫn phải chia.
Chưa kể, người trong hộ gia đình đôi khi bị hiểu đồng nghĩa với người trong sổ hộ khẩu hộ gia đình cũng gây ra những rắc rối về quyền sử dụng đất.
Trong thực tiễn, trường hợp có người nhờ nhập khẩu “ké” vào hộ gia đình sau đó được cấp sổ hộ khẩu (giai đoạn tồn tại sổ hộ khẩu), rồi gia đình đó được Nhà nước cấp GCNQSDĐ ghi cấp cho “hộ gia đình”. Người này có lý để nhận là thành viên gia đình và quay lại tranh chấp quyền sử dụng đất với hộ gia đình, dù vô lý nhưng cơ quan chức năng vẫn phải thụ lý giải quyết.
Sở hữu đất đai với chủ thể hộ gia đình là sở hữu chung theo Điều 207, Bộ Luật Dân sự 2015, có nghĩa bao nhiêu thành viên lúc cấp GCNQSDĐ thì có bấy nhiêu người được sở hữu.
Về nguyên tắc, phải ghi đầy đủ thành viên trên GCN, nhưng khi cấp GCNQSDĐ cơ quan Nhà nước lại chỉ ghi tên chủ hộ đại diện. Khi chủ thể đi thực hiện các quan hệ dân sự về đất đai, việc xác minh thông tin các thành viên chủ hộ rất khó khăn, phức tạp và nhiều vướng mắc.
Đặc biệt Luật Cư trú hiện hành đã bỏ khái niệm sổ hộ khẩu và rạch ròi khái niệm gia đình, người thường trú, tạm trú thì việc giải quyết các quan hệ pháp luật khi có khái niệm “hộ gia đình sử dụng đất” không còn ý nghĩa nhiều.
Ngoài ra, Dự thảo Luật lần này có quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp hộ gia đình đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trước ngày luật này có hiệu lực thi hành như vậy đã có hành lang đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho các thành viên trong hộ gia đình trước đây.
Do đó, việc Dự thảo lần này bỏ khái niệm về chủ thể sử dụng đất là “hộ gia đình” là phù hợp với thực tiễn, giúp tháo gỡ những hạn chế đã tồn tại từ trước Luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất trong áp dụng, nhà làm luật cũng cần sửa đổi các điều khoản tại các luật: Bộ Luật dân sự 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng pháp luật có liên quan khác.
Vì vậy, để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội, mong người dân cho ý kiến đối với quy định liên quan đến việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất. Địa chỉ góp ý dự thảo tại địa chỉ trang điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường (https://luatdatdai.monre.gov.vn) và trực tiếp góp ý tại địa chỉ: https://luatdatdai.monre.gov.vn/tham-van-du-thao-luat.