Góp ý Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Nên mở rộng trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa

Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư Hà Nội)| 06/11/2015 08:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) có nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn xã hội trong giai đoạn mới, là kết quả nghiên cứu công phu của các nhà quản lý, các chuyên gia. Tuy nhiên, một số nội dung trong Dự thảo cần tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện.

Về bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 25): Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình hình tội phạm xảy ra trên biển ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp. Trong khi đó Cơ quan điều tra chuyên trách gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý các tội phạm này do khoảng cách địa lý cũng như thiếu các phương tiện chuyên dụng để tiếp cận địa bàn phạm tội. Nhằm tăng khả năng đấu tranh với tội phạm, đồng thời, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo từ phương diện hoạt động tư pháp, cần bổ sung cơ quan Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các Điều 57, 58, 59, 60) nên quy đinh theo phương án 1 Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi “không buộc” nghĩa là bản thân người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ đưa ra lời khai hoặc chứng cứ chống lại chính họ. Chính vì người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ đưa ra lời khai, chứng cứ chống lại mình nên pháp luật hình sự của các nước đều không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi từ chối khai báo của những người này; đồng thời, không coi đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi xét xử, quyết định hình phạt.

Dự thảo quy định quyền của bị can được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án (Điều 59). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 58 BLTTHS hiện hành và Điều 119 Dự thảo, người bào chữa có quyền “đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra”. Do đó, đối với những vụ án bị can đã nhờ người bào chữa thì bị can hoàn toàn có thể có được đầy đủ, kịp thời những thông tin, tài liệu trong hồ sơ vụ án do người bào chữa cung cấp. Để giúp các cơ quan tố tụng tập trung phát hiện, khám phá vụ án; đề cao trách nhiệm của người bào chữa, nên quy định bị can trực tiếp đọc bản sao tài liệu vụ án trong trường hợp họ không có người bào chữa. Tiếp đó, về phạm vi tài liệu được đọc, quy định như Điều 59 Dự thảo: “Bị can được đọc, ghi chép các tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc tài liệu khác”, nghĩa là có thể yêu cầu đọc toàn bộ hồ sơ vụ án. Trên thực tế, có những vụ án phức tạp, nhiều tài liệu, có tài liệu chỉ liên quan đến bị can này mà không liên quan đến bị can khác. Quy định như Dự thảo là chưa chặt chẽ, dễ bị lạm dụng. Bị can có thể gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng thông qua việc lợi dụng quyền này và nếu cơ quan tố tụng không đáp ứng yêu cầu thì bị coi là “vi phạm quyền con người”. Để đồng bộ với quy định về quyền đọc tài liệu của người bào chữa, cần quy định quyền đọc tài liệu của bị can như sau: “Đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa”.

Liên quan đến trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa (Điều 121),  nên quy định theo phương án 2 vì nó phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 2013, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta hỗ trợ những người không có điều kiện nhờ luật sư bào chữa. Hơn nữa, nếu chỉ mở rộng trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa như phương án 1: “Hình phạt tù đến chung thân” thay cho quy định hiện hành “hình phạt tử hình” thì sẽ không giảm được nhiều trên thực tế vì Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang sửa đổi theo hướng giảm tối đa các tội có quy định hình phạt tử hình. Đồng thời, Dự thảo bổ sung các trường hợp mặc dù BLHS quy định hình phạt tử hình nhưng sẽ không áp dụng hoặc không thi hành (ví dụ: Người phạm tội đã khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm và phối hợp tích cực với các cơ quan tố tụng; người phạm tội lập công lớn; người phạm tội từ 75 tuổi trở lên tại thời điểm phạm tội hoặc tại thời điểm đưa ra xét xử...).

Việc mở rộng trường hợp bắt buộc phải chỉ định người bào chữa như phương án 2 sẽ đồng bộ với quy định mới của Dự thảo về quyền của bị can đọc hồ sơ vụ án. Trong trường hợp này, người bào chữa sẽ hỗ trợ tích cực cho bị can trong việc đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Nên mở rộng trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa