Các Công ty chứng khoán (CTCK) vẫn giữ đánh giá thận trọng đối với thị trường mặc dù VN-Index đóng cửa trên 595 điểm. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư nên chốt lời một phần.
Khả năng sẽ điều chỉnh mạnh
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Với phiên tăng điểm ngày 13/03 thì VN-Index đã tái lập mốc 595.22 điểm, mức điểm đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2009 đến nay. Về yếu tố hỗ trợ, thông tin Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh có thể là nguyên nhân dẫn đến giao dịch hưng phấn tại nhóm cổ phiếu chứng khoán và phần nào tác động lan tỏa ra toàn bộ thị trường chung.
Tuy vậy, bên cạnh sự lạc quan của nhà đầu tư nội thì việc khối ngoại tăng mạnh bán ra sau phiên mua ròng ngày 12/03 vẫn đáng lo ngại, trong trường hợp giá trị bán ròng này có xu hướng tăng dần thì sẽ là tín hiệu xấu đối với chỉ số.
Về kỹ thuật, mốc tâm lý 600 điểm sẽ không dễ dàng để có thể vượt qua và khả năng cao sẽ xuất hiện điều chỉnh mạnh nếu VN-Index thất bại trước ngưỡng kháng cự này, do đó nhà đầu tư nên thận trọng bám sát diễn biến thị trường trong giai đoạn này, cân nhắc giảm bớt tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục nếu có tín hiệu đảo chiều xu thế xuất hiện.
Chốt lời từng phần
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Thị trường tăng điểm khá hưng phấn trên cả hai sàn trong phiên 13/03. Dòng tiền duy trì ổn định tại nhóm bluechips, thậm chí chảy mạnh vào một số mã như VNM, SSI, REE. Trong khi đó, nhóm penny và chứng khoán trên sàn HNX thu hút sự chú ý trở lại của dòng tiền đầu cơ.
Hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư trong phiên hôm nay có thể là thông tin về việc Chính phủ đã chính thức ký phê duyệt đề án xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Mặc dù đây mới chỉ là đề án và cần thêm rất nhiều thời gian để các sản phẩm chứng khoán phái sinh chính thức được giao dịch trong thực tế, tuy vậy thông tin trên đã phần nào có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Nhà đầu tư được khuyến nghị chốt lời từng phần nếu thị trường tiếp tục tăng điểm, sau đó tích lũy dần trở lại tỷ trọng đã bán trong các phiên thị trường điều chỉnh. Việc tái cơ cấu danh mục sang các mã chưa tăng nhiều cũng nên được xem xét để tăng tính hiệu quả cho danh mục đầu tư.
Tiếp tục giữ cổ phiếu
CTCK MayBank Kim Eng (MBKE): Có thể thấy động lực chính thúc đẩy thị trường đi lên trong giai đoạn này là tư các nhà đầu tư trong nước. Theo quan sát, nhiều nhà đầu tư đã bỏ qua thị trường cổ phiếu trong vài năm trước hiện đang quan tâm trở lại.
Trên phương diện kỹ thuật, VN-Index tiếp tục nằm trong xu hướng tăng với hỗ trợ hiện tại là 565 điểm. Chỉ số chung đang thử lại mức đỉnh 596 với xung lực ổn định. Một số dấu hiệu cảnh báo như phân kỳ tiêu cực đang yếu đi, nhưng chưa mất hẳn. MBKE cho rằng chiến lược giao dịch phù hợp là tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.
Phát tín hiệu tăng ngắn hạn
CTCK Ngân hàng MB (MBS): Thị trường đi lên khi cả VN-Index và HN-Index cùng tăng điểm; thanh khoản ở mức trung bình khá. Sau phiên kiểm nghiệm lại mức điểm 596, VN-Index tiếp tục tiến sát mức điểm này và neo lại tại đây cho đến cuối phiên.
Các phiên giao dịch sắp tới sẽ rất đang chú ý khi VN-Index có thể sẽ vượt mốc 596, phát đi tín hiệu xu hướng tăng ngắn hạn, hoặc 596 sẽ trở thành ngưỡng cản mạnh trong ngắn hạn nếu chỉ số không thể vượt qua.
Khả năng rung lắc vẫn còn
CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Trong các phiên tới, chỉ cần chỉ số tiếp tục duy trì trên khu vực đường MA 5D (585 điểm), với khối lượng khớp lệnh ở mức cao, khi đó ngưỡng mục tiêu của chỉ số sẽ ở mức 610 điểm.
Đối với sàn HNX, chỉ số có phiên tăng điểm trở lại và đang nối tiếp xu hướng tăng từ tháng 9/2013. Nhìn chung, cả hai chỉ số đang trong xu hướng tăng điểm trở lại, nhưng khả năng rung lắc mạnh vẫn còn.
Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục thực hiện cơ cấu danh mục theo hướng bán ra các cổ phiếu đã có lợi nhuận tương đối trong các phiên thị trường hồi phục và đồng thời xem xét mua vào các mã vẫn còn tiềm năng tăng giá khi thị trường điều chỉnh, hạn chế mua đuổi. Ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu vừa và nhỏ có mức điều chỉnh về vùng hỗ trợ thuộc nhóm ngành bất động sản, xây dựng, chứng khoán, khoáng sản, dầu khí.
Mỹ Hà tổng hợp