Trước thông tin bất lợi liên quan đến chính trị, thị trường đã có phiên (08/05) sụt giảm mạnh đầy bất ngờ. Qua đó, một số CTCK cho rằng giá cổ phiếu đã về mức hấp dẫn có thể gom mua, song một số khác thì lại có cái nhìn khá bi quan.
Chờ tâm lý nhà đầu tư ổn định lại
Công ty TNHH Chứng khoán NH Đông Á (DAS): Tuy dư bán sàn vẫn còn rất lớn, đặc biệt ở các mã Blue-chip vốn hóa lớn. Nhưng vẫn hy vọng với lượng mua rất lớn trong phiên 08/05, đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài, sẽ có thể trấn tĩnh lại tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư.
Tình hình Biển Đông nếu không có thêm diễn biến mới cho thấy căng thẳng có dấu hiệu tiếp tục leo thang thì rất có thể ảnh hưởng của vấn đề “nóng” này sẽ giảm bớt trong phiên giao dịch sắp tới.
Với phiên giảm mạnh hôm 08/05, chỉ trong 1 phiên, đã đưa các chỉ số từ mức Fibonacci retracement 38.2% xuống mức 62.8%, tương ứng với các vùng 522 và 71.8 điểm của VN-Index và HNX-Index. Các yếu tố kỹ thuật, cụ thể như các ngưỡng hỗ trợ tâm lý, trong những phiên hoảng loạn của nhà đầu tư có thể sẽ không mấy có ý nghĩa. Khi sự phản ứng thái quá qua đi, sẽ có sự hồi phục quanh các vùng hỗ trợ này.
Khó đoán định
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Nhiều năm qua thị trường cũng không ít lần rơi vào tình cảnh hoảng loạn nhưng chưa khi nào có hiện tượng “trắng bên mua” như phiên 08/05. Mức giảm phải nói là vô cùng mạnh và chưa thể nói nó đã kết thúc bởi trong nhịp hồi phục trước đó, khá nhiều người cho rằng thị trường đã bắt đầu tạo đáy và mua trở lại.
Tuy nhiên, sự kiện hôm nay là một câu chuyện khác và nó đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của nhà đầu tư nên có thể cú giảm mạnh này đã khiến nhiều tài khoản bị vi phạm tỷ lệ an toàn tài chính dẫn đến bị buộc phải bán ra. Những lệnh bán giá sàn này cần phải có thêm một vài phiên như 8/5 để hấp thụ hết trước khi trở nên cân bằng.
Thị trường tháng 5 mới chỉ có 4 phiên thì đã có 3 phiên sụt giảm mạnh và chỉ số VN-Index đã mất đi 14% so với mốc cao nhất vừa thiết lập và trở thành thị trường tồi tệ nhất. Trong một phiên như hiện nay, điều đáng quan tâm nhất là khối lượng giao dịch vẫn ở mức khá cao và cả 3 phiên giảm mạnh này khối lượng giao dịch đều tăng lên đáng kể cho thấy vẫn có những nhà đầu tư coi đó như là một cơ hội mà khối ngoại là điển hình.
Về ngắn hạn, thị trường hiện tại rất khó đoán định, điều quan tâm nhất là nếu như cầu mua vẫn tôt thì có thể sẽ nhanh chóng giúp thị trường ổn định trở lại. Nhưng niềm tin vào thị trường và những mất mát vừa qua khó có thể kỳ vọng gì trong ngắn hạn.
Cơ hội tích lũy giá thấp
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Thị trường phiên 08/05 đã có phản ứng hết sức tiêu cực với thông tin công bố về tình hình biển Đông, VN-Index đóng cửa giảm tới 33 điểm - mức giảm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, cùng chung diễn biến HNX-Index cũng lùi sâu về mốc 71.66 điểm.
Tuy vậy, điểm tích cực vẫn được ghi nhận là có một phần lượng tiền bắt đáy mạo hiểm đã giúp thanh khoản toàn thị trường có sự cải thiện mạnh, đặc biệt là khối ngoại cũng mua vào khá nhiều trong phiên với giá trị mua ròng lên tới 279.6 tỷ đồng. Điều này cho thấy việc giá cổ phiếu giảm sâu vẫn tạo ra được những tác động kích thích nhất định đến dòng tiền đang đứng ngoài thị trường.
Trong các phiên tới, với ảnh hưởng cũng như diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông xu thế thị trường chung vẫn khó dự đoán với rủi ro rất cao do áp lực bán giải chấp mang lại, tuy nhiên nếu không xuất hiện thông tin xấu hơn như lo ngại thái quá của nhà đầu tư thì FPTS cho rằng giao dịch sẽ có cơ hội để thoát khỏi trạng thái trầm lắng trước đó.
Theo đó, nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng chờ đợi tín hiệu xác nhận xu thế tiếp theo, nên giữ tâm lý bình tĩnh, tránh trạng thái bi quan quá mức do đây có thể sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu giá thấp cho mục tiêu trung - dài hạn.
Tiếp tục giảm
CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS): Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp tục xuất hiện một cây nến đen và dài vượt ra khỏi dải dưới của Bollinger và lùi sát về mức Fibonacci 61.8%. Hiện tại tất cả các chỉ báo đều cho thấy tín hiệu tiêu cực, MACD hướng xuống, bong bóng ADX cho rằng đà giảm có thể mạnh thêm. Vùng hỗ trợ gần nhất đối với chỉ số nằm tại 518 điểm, theo dự báo của KLS VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm trong phiên 09/05.
Đối với sàn Hà Nội, sự giảm mạnh của cây nến trong phiên 08/05 đã khiến HNX-Index phá vỡ xu thế tăng dài hạn được thiết lập trong nỗ lực tăng điểm của hơn hai năm gần nhất. Xu thế giảm vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu, chỉ số đang tạm dừng tại mức Fibonacci 61.8%, đây là mức hỗ trợ ngắn hạn và có thể HNX-Index sẽ kiểm nghiệm mức hỗ trợ này trong phiên 09/05.
Giá đã về mức hấp dẫn
CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS): Thị trường mở cửa giảm điểm tương đối mạnh, nhưng đó chưa phải là tất cả. Lo ngại về xung đột trên biển Đông đã khiến thị trường sụp đổ. Đây là phiên giảm mạnh nhất từng có trong lịch sử và thị trường đã mất đi hơn 65 ngàn tỷ đồng vốn hóa. Hầu hết các mã đều giảm sàn.
Mặc dù các chỉ số có thể hồi phục trong những ngày tới, nhưng hệ quả của phiên giảm này rất nghiêm trọng. Các hoạt động bắt đáy đã giúp lượng giao dịch tăng gấp đôi, nhưng mức này vẫn còn thua xa mức giao dịch của vài tháng trước. Do đó việc hồi phục của các chỉ số sẽ không dễ dàng. Nhưng ít ra điểm tích cực từ đợt giảm này là mặt bằng giá cổ phiếu lại trở về mức có thể được xem là hấp dẫn.
VN-Index đột ngột sụt giảm mạnh hơn 32 điểm trong phiên giao dịch 08/05 đã làm xuất hiện của một cây nến đỏ dài trên đồ thị chứng tỏ áp lực bán rất mạnh. Khối lượng khớp lệnh trên HOSE cũng tăng vọt lên 128.29 triệu đơn vị cho thấy lực cầu bắt đáy đã xuất hiện; tuy nhiên, lực cầu không đủ mạnh để dừng đà giảm của VN-Index.
Chỉ báo MACD vẫn ủng hộ cho xu hướng giảm khi giảm xuống mức -8.97. Tuy nhiên, RSI và Stochastic Oscillator đã đi vào vùng quá bán. Thêm vào đó, VN-
Index đã tiến sát đường hỗ trợ MA(200), tương đương khu vực hỗ trợ 515-525 điểm; đây là khu vực hỗ trợ mạnh cho VN-Index. Vì vậy, SBBS cho rằng các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể xem xét tích lũy cổ phiếu trong phiên tới khi VN-Index sụt giảm về khu vực này.
Cơ hội gom mua từng phần
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Phiên giảm mạnh 08/05 không còn là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật bình thường mà mang dấu ấn của “biến cố bất ngờ” tương tự như vụ Bầu Kiên trước đây. Phiên giảm điểm này là hệ quả quả tâm lý chán nản sau 1 chu kỳ điều chỉnh dài và được khuếch đại do những thông tin căng thẳng từ tình hình Biển Đông.
Về quan điểm PTKT, vùng điểm 530-550 điểm được coi khá an toàn với VN-Index cho hoạt động “điều chỉnh thông thường” tuy nhiên do diễn biến chính trị phức tạp và rất khó đánh giá, nên BSI giữ thái độ thận trọng với thị trường.
BSI khuyến nghị với nhà đầu tư đã bán từ các vùng cao của Index và đang giữ tỷ trọng tiền mặt lớn, đây là cơ hội để mua gom từng phần (20%, 30%) tùy khả năng chịu rủi ro. Nhưng cần lưu ý rằng kể cả khi phục hồi thì áp lực bán sau đó với thị trường vẫn còn và không nên kỳ vọng lợi nhuận quá nhiều, ưu tiên các mã cơ bản tốt và có cầu của nhà đầu tư ngoại.
Với nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và đặc biệt là margin thì an toàn được đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư nên tranh thủ thị trường hồi để chủ động giảm margin, đặc biệt tại các mã nóng.
Trần Việt tổng hợp