Góc broker: Vượt đỉnh không thành công

01/11/2013 11:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người viết, trong sóng tăng này, từng… 3 lần ngồi đỉnh.

Trong tác phẩm “Làm giàu từ chứng khoán” nổi tiếng với phương pháp lựa chọn cổ phiếu đầu tư tăng trưởng CANSLIM (mỗi chữ cái đại diện cho một tiêu chí), William J.O.Neil cho rằng, chỉ nên mua cổ phiếu khi nó bứt phá khỏi một nền tảng giá chặt chẽ và lập… “đỉnh giá mới”.

Đây là cuốn sách đầu tiên người viết đọc về chứng khoán từ năm nhất đại học, nhưng phải trải qua những sóng gió thị trường trong sóng tăng năm nay mới dần thấu hiểu phần nào ý nghĩa đằng sau tiêu chí “lập đỉnh giá mới”.

Tiêu chí này cũng được một nhà đầu tư (NĐT) nổi tiếng khác trên thị trường - Nicolas Darvas - áp dụng, dù cách diễn giải bằng từ ngữ có khác so với CANSLIM, và hình thành nên một trường phái khác – lý thuyết hộp (box theory). Nhìn chung, Darvas cũng chỉ mua cổ phiếu khi nó bứt phá khỏi hộp giá cũ và đi vào hộp giá mới, nôm na tức là khi cổ phiếu lập… một đỉnh giá mới.

Người viết cảm nhận rằng, đằng sau những trường phái đầu tư nổi tiếng trên thị trường, được phủ bóng những từ ngữ học thuật như CANSLIM, Box theory…vv  luôn xuất phát từ những triết lý đơn giản và hiển nhiên, hầu như ai cũng biết và thừa nhận, nhưng không phải ai cũng làm được.

Câu chuyện đầu tư trong chứng khoán kể trên cũng giống như câu chuyện thành công của đội bóng đá xứ Catalunya: Barcelona - trong suốt hơn thập kỷ qua. Đằng sau lối đá hoa mỹ nhưng hiệu quả -tiki taka- mà Barcelona thêu dệt làm mê hoặc cả thế giới, là một triết lý vô cùng đơn giản và hiển nhiên: “đối thủ không thể ghi bàn nếu… không có bóng”. Không phải ngẫu nhiên mà các cầu thủ được đứng trong hàng ngũ Barcelona đều là những chuyên gia cầm bóng siêu hạng, khó ai có thể lấy bóng từ chân của Messi, Inesta, Xavi…

Triết lý bóng đá của Barcelona là một sự thực đơn giản đến trần trụi, không ai phủ nhận. Trong đầu tư chứng khoán, cũng có một sự thực hiển nhiên như thế: cổ phiếu chỉ tăng giá khi nó lập những đỉnh giá mới.

Người viết, từ đầu sóng đến giờ, có lẽ thấu hiểu nhiều nhất ưu điểm và nhược điểm của phương pháp trading xuất phát từ triết lý này. Thành công với chiến lược này cũng nhiều, nhưng người viết nhớ nhất những lần thất bại, đó là khi nhược điểm của chiến lược được gọi tên…

Ngồi đỉnh

Người viết, trong sóng tăng này, từng… 3 lần ngồi đỉnh. Đó là khi cổ phiếu trong tầm ngắm bứt phá, lập đỉnh mới, nhưng cuối cùng thất bại, giá cổ phiếu thủng đỉnh cũ và có cổ phiếu chấm dứt luôn xu thế tăng giá theo tháng (trường hợp PPC, REE), có mã thủng nhưng đi ngang chờ thời (trường hợp DRC) và có mã hiện thời tiếp tục tích lũy cho trận đánh mới (PGC). Đó là 3 bài học quý giá người viết thu lượm được; may sao học phí của bài học thứ hai và thứ ba ít dần đi sau khi thấu hiểu được hậu quả của việc không tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ từ bài học số 1.

PGC là mã mà người viết đoạn vừa rồi kỳ vọng rất nhiều, thực sự giờ rất khó tìm được một cổ phiếu nào có đồ thị tích lũy đẹp như HSG, DRC, CSM hồi cuối năm 2012. PGC là mã có đồ thị tích lũy đẹp nhất mà người viết lọc được. Người viết vào hàng PGC làm hai đợt, và đều chọn phiên mà PGC break tích lũy khỏi vùng đi ngang trước đó.

Góc broker: Vượt đỉnh không thành công

PGC – vượt đỉnh không thành công! (nguồn dữ liệu: Vietstock Updater)

Lần vào hàng gần đây nhất, người viết vào hàng hôm PGC break khỏi đỉnh giá 11.6 trước đó, phiên đó PGC đóng cửa ở giá 12 với khối lượng khớp gần 1.7 triệu. Ngưỡng 11.6 trước đó đóng vai trò kháng cự; khi PGC vượt qua, nó trở thành ngưỡng hỗ trợ cứng cho PGC. Mua vào phiên break, không quan trọng việc nó chính thức bứt khỏi dải đi ngang, mà quan trọng là người viết có một ngưỡng cắt lỗ ngay dưới chân, có một vùng giá hỗ trợ ngay dưới chân. Thực tế, PGC được ngưỡng 11.6 đỡ cho trong 2 phiên 24-25.10, nhưng cuối cùng bị bục và lần vượt đỉnh 11.6 không thành công.28/10, PGC đóng cửa 11.2 – đây cũng là giá mà  lô hàng thứ hai người viết cắt lỗ, lô hàng đầu tiên thì vẫn giữ. Với PGC – nếu đợt tới, xem xét những tiêu chí của mình, cộng với việc PGC vượt đỉnh cũ 12, người viết sẽ cân nhắc việc tham gia.

Người viết – với tinh thần cầu thị – cần nhiều bài học hơn nữa trên thị trường để xây dựng cho mình một chiến lược đầu tư phù hợp. Từ triết lý đến việc xây dựng một chiến lược đầu tư, cần nhiều thời gian hơn tuổi nghề.

Về thị trường, người viết giữ nguyên quan điểm thị trường sẽ tiếp tục sóng tăng hiện tại. Quá trình điều chỉnh đợt này không sâu. Không phải vì ngưỡng 490 hay 492 chắc chắn làm bệ đỡ, mà nhìn từng lớp cổ phiếu thì người viết nhận thấy chưa có tín hiệu phân phối hay tín hiệu nguy hiểm có thể khiến thị trường điều chỉnh 8-10%. Dòng cổ phiếu đầu cơ có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ, nhưng dòng cổ phiếu cơ bản và đầu tư tăng trưởng chưa bắt nhịp. Với chiến lược mua và nắm giữ đến cuối năm thì còn có mã được lựa chọn, riêng trading thì người viết chưa chọn được mã nào để đưa vào tầm ngắm.

Đoàn Xuân Thạo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc broker: Vượt đỉnh không thành công