Văn hóa - giải trí

Gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống mây tre đan

Trà Diễm 30/07/2023 - 18:38

Tại Hà Nội, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Câu lạc bộ Đình làng Việt kết hợp với Ban Quản lý Dự án Trường làng trong phố vừa tổ chức workshop “Hoa cài tre đan”.

Sự kiện với sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, nghệ nhân ưu tú, Chủ tịch Hội doanh nghiệp mây tre Phú Vinh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt, Hội di sản văn hóa Việt Nam, lãnh đạo và thành viên dự án Tôi 20…

z4560313068715_5f3a97e8ff2f27fadffeb8273793ee66.jpg
Quang cảnh workshop

Phát biểu tại sự kiện, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ, Phú Vinh là làng nghề ở Hà Nội nổi tiếng với nghề đan mây tre truyền thống, có lịch sử hình thành và phát triển gần 400 năm. Các sản phẩm của làng nghề được tạo nên nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những sản phẩm mây tre đan được tạo ra vô cùng tỉ mỉ, đan tết hoa văn độc đáo, tinh xảo vô cùng đẹp mắt. Để có được sản phẩm như vậy, người thợ phải hiểu rõ nguyên liệu làm và cẩn thận từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, chế tác. Nghề mấy tre đan mỗi năm đem về giá trị kinh tế rất lớn trong số các làng nghề Việt. Tuy nhiên hiện nay việc bảo tồn và phát triển làng nghề hiện gặp không ít khó khăn do phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những sản phẩm khác. Hơn nữa, thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm, mặn mà với nghề… Do đó, Dự án Trường làng trong phố là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực đóng góp vào việc gìn gữ, bảo tồn làng nghề mây tre đan Phú Vinh. Đây cũng là dịp để những bạn trẻ tại các tỉnh thành tận mắt chiêm ngưỡng thực tế quá trình tạo ra sản phẩm mây tre, từ đó thêm hiểu thêm yêu, để quảng bá, duy trì những sản phẩm thủ công truyền thống.

Tại workshop, có các hoạt động chính như: Kết nan dựng hình, nghệ nhân làng Phú Vinh đã hướng dẫn người tham dự những bước đầu tiên trong việc tạo hình cho một chiếc lọ hoa đan bằng tre. Sau đó là hoạt động đan hoa thưởng sắc, nghệ nhân cùng người tham dự hoàn thiện sản phẩm…

z4560315282170_44a60714d2cb1c92089730ef3c6ec332.jpg
Nghệ nhân làng nghề truyền thống Phú Vinh "trình diễn" cách làm sản phẩm mây tre đan

Cùng với việc hướng dẫn thực hành, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung còn kết hợp kể các câu chuyện làng nghề ngay từ khi người tham gia bắt đầu đan sản phẩm.

Thông qua câu chuyện được truyền tải bởi nghệ nhân trong quá trình diễn ra sự kiện, workshop mong muốn khơi gợi sự đồng cảm với giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử xoay quanh chuyện làm nghề và gìn giữ nghề từ những người tham gia. Đồng thời, từ sự tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm nghề (sản phẩm tre đan) cùng nghệ nhân làng nghề, góp phần thúc đẩy khả năng nhận diện sản phẩm thủ công làng nghề, tạo tiềm năng thúc đẩy việc mua sản phẩm chính gốc.

Được biết, workshop Hoa cài tre đan là hoạt động mở đầu trong chuỗi sự kiện trong giai đoạn Hè - Thu thuộc khuôn khổ dự án Trường làng trong phố. Sau sự kiện này, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức workshop trải nghiệm nghề làm quạt giấy Chàng Sơn vào 12/8/2023, trải nghiệm làm nón làng Chuông vào 2/9/2023 và một sự kiện tổng hợp quy tụ các làng nghề truyền thống vào 15/9/2023.

Dự án Trường làng trong phố là dự án phi lợi nhuận hướng tới việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề truyền thống Việt Nam do một nhóm các bạn trẻ đến từ các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội thành lập. Dự án đã giành chiến thắng tại Cuộc thi Sáng kiến Ý tưởng xã hội Tôi 20 - Twenties mùa 10 vào tháng 4/2023.

z4560314017520_3c328e877cf29997a762f030c91e4880.jpg
Workshop thu hút nhiều người quan tâm ở mọi lứa tuổi

Dự án ra đời nhằm tôn vinh và tiếp tục phát huy sự tích cực của các bạn trẻ trong việc quảng bá, giới thiệu, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và quốc tế. Đồng thời, trở thành cầu nối và quảng bá, giúp làng nghề truyền thống tiếp cận gần hơn với lớp trẻ qua những hình thức truyền thông hiện đại. Đây cũng là dịp để kết nối các làng nghề truyền thống tới gần hơn công chúng tại Thủ đô, đồng thời cũng là dịp để các cá nhân, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu - thực hành, bảo tồn văn hóa giới thiệu và chia sẻ thành quả, thúc đẩy hợp tác, thổi hồn những giá trị tươi mới cho các di sản truyền thống; tạo ra môi trường giao lưu giữa những người có chung niềm đam mê với văn hóa truyền thống, hướng tới quảng bá du lịch phố cổ Hà Nội gắn với làng nghề truyền thống, mang ý nghĩa càng thêm nhân văn và sâu sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống mây tre đan