Giết người thân rồi tự sát: Bế tắc và tàn nhẫn

Đỗ Việt| 23/11/2015 12:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc một người hay một gia đình tìm đến cái chết cho thấy các mối quan hệ xã hội có vấn đề. Đó có thể là sự thờ ơ, sự bất công, thậm chí sự tàn nhẫn trong các mối quan hệ xung quanh nạn nhân”.

Vài tháng trở lại đây, nhiều vụ thảm án đau lòng xảy ra trong các gia đình mà nguyên nhân được xác định là do tự tử. Trong số vụ việc thương tâm đó, có nạn nhân là các em nhỏ vô tội và không có khả năng tự vệ, trong phút chốc trở thành người thiên cổ.

Những từ khóa “giết con rồi tự sát”, “bố treo cổ con rồi tự tử” hay “thảm án cả gia đình” nghe thôi đã thấy rùng rợn. Người thân xót xa, cả xã hội bàng hoàng và chắc chắn sẽ còn ám ảnh, day dứt, dằn vặt mãi không thôi.

Dưới góc nhìn của một nhà Tâm lý học, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, sự gia tăng các trường hợp tự tử phản ánh những vấn đề xã hội. Con người không sống đơn độc, mỗi gia đình không sống đơn độc mà trong mối tương tác với những người xung quanh và với cộng đồng xã hội.

Giết người thân rồi tự sát: Bế tắc và tàn nhẫn

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng

PV: Thưa bà, những vụ tự tử xảy ra trong phạm vi gia đình ngày càng nhiều (điển hình như vụ bốn người trong gia đình chết tại Thanh Hóa hay vụ bố treo cổ hai con tự tử ở Yên Bái). Trong số đó, nạn nhân là các em nhỏ vô tội và đều không có khả năng tự vệ. Bà có nhìn nhận như thế nào trước thực trạng này?

TS Khuất Thu Hồng: Tất cả những câu chuyện đó đều rất đau lòng. Điều đáng lo ngại là dường như gần đây những vụ việc như vậy lại xảy ra nhiều hơn. Việc những người cha người mẹ đó quyết định lựa chọn cách giải quyết sự bế tắc của họ như vậy chứng tỏ họ đã cảm thấy vô cùng đơn độc và tuyệt vọng. Giờ đây chúng ta không thể trách những người đã mất mà phải tự hỏi chính mình. Xã hội chúng ta đã không thể làm gì cho họ. Đó là điều đáng sợ nhất.

Các thiết chế xã hội căn bản như luật pháp, đạo đức, hệ thống phúc lợi, các cơ chế trợ giúp, các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý … của chúng ta vừa yếu và vừa thiếu, đã không thể bảo vệ, giúp đỡ những con người đó vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý đến mức họ phải chọn giải pháp tiêu cực nhất.

PV: Có thể thấy, những vụ tự tử kéo theo cả những người thân trong gia đình cùng chết (như đã nêu ở trên), đều xuất phát từ những việc rất nhỏ nhặt nhưng nạn nhân vẫn quyết tâm tước đoạt mạng sống của người thân. Theo bà vì sao lại như vậy?

TS Khuất Thu Hồng: Chúng ta khó có thể đánh giá được hết các lý do khiến những người đó tìm đến cái chết nên không thể và không nên phán xét họ. Tuy nhiên tôi cho rằng chắc chắn họ phải rất tuyệt vọng.

Bất kỳ người cha người mẹ nào cũng thương con mình và hầu hết sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cho cuộc sống của con. Một khi họ muốn cùng chết với con có nghĩa là họ đã hoàn toàn bế tắc.

Khi quyết định cùng chết với các con, họ nghĩ đó là cách họ bảo vệ con mình, để con mình không phải đối mặt với những hậu quả mà cái chết của họ để lại như nợ nần, tiếng xấu... và cả cuộc sống khó khăn khi họ không còn ở bên cạnh các con nữa.

Giết người thân rồi tự sát: Bế tắc và tàn nhẫn

Hiện trường vụ 4 người trong gia đình chết ở Thanh Hóa

PV: Tự tử kéo theo nhiều người cùng chết có phải là do suy nghĩ tiêu cực hay là một chứng bệnh lý hiện nay thưa bà?

TS Khuất Thu Hồng: Tự tử thường là giải pháp tiêu cực nhất mà con người lựa chọn trong tình huống bế tắc. Cũng có một số người tự tử do những vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm kéo dài mà không được điều trị đúng cách. Nhưng mọi nguyên nhân đều có nguồn gốc xã hội.

Cụm nguyên nhân đầu tiên liên quan đến những vấn đề của cuộc sống như khó khăn kinh tế, nợ nần, áp lực mưu sinh, các mối quan hệ căng thẳng, bất công bằng xã hội … Tự tử trong trường hợp này là lối thoát để chạy trốn khỏi gánh nặng của cuộc sống mà nạn nhân nghĩ là mình không thể mang nổi nữa.

Cụm nguyên nhân thứ hai liên quan đến việc thiếu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần ở Việt Nam, do đó những người có vấn đề sức khoẻ tâm thần không được điều trị kịp thời và hiệu quả, lúc này tự tử là sự bùng phát của căn bệnh.

Cụm nguyên nhân thứ ba liên quan đến việc thiếu các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội. Những người có vấn đề kể cả do các nguyên nhân xã hội hay do sức khoẻ tâm thần không biết đi đâu để tìm được tư vấn giúp họ gỡ các mối băn khoăn, những bức xúc của họ.

Chúng ta quá tập trung đầu tư xây dựng đường xá, nhà cửa, trung tâm thương mại … rất hoành tráng nhưng không muốn bỏ công sức để xây dựng một hệ thống dịch vụ chăm sóc cho tâm hồn của con người.

Chúng ta cho rằng khoa học kỹ thuật sẽ giúp nước ta giàu mạnh nhưng quên mất vai trò của khoa học xã hội trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và hỗ trợ sự phát triển của nhân cách con người, đặc biệt là các ngành trực tiếp làm việc với con người như tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội.

PV: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về tâm lý học, bà đánh giá như thế nào về hậu quả của những sự việc trên trong xã hội?

TS Khuất Thu Hồng: Sự gia tăng các trường hợp tự tử phản ánh những vấn đề xã hội. Con người không sống đơn độc, mỗi gia đình không sống đơn độc mà trong mối tương tác với những người xung quanh và với cộng đồng xã hội. Việc một người hay một gia đình tìm đến cái chết cho thấy các mối quan hệ xã hội có vấn đề: đó có thể là sự thờ ơ, sự bất công, thậm chí sự tàn nhẫn trong các mối quan hệ xung quanh nạn nhân.

Việc nhiều người tự tử nhất là những vụ việc cha mẹ giết con rồi tự tử phản ánh một xã hội đang có vấn đề trong các mối quan hệ như vậy. Xã hội cần phải nhìn nhận lại chính mình trước khi phán xét các nạn nhân.

PV: Vậy chúng ta phải làm gì để hạn chế tối thiểu tình trạng này?

TS Khuất Thu Hồng: Sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh là quan trọng nhất. Nếu một người rơi vào tình thế khó khăn nhưng vẫn cảm nhận được sự quan tâm của những người khác thì họ sẽ vượt qua được những ý nghĩ đen tối.

Hầu hết những người tự tử đều trải qua một quá trình day dứt, dằn vặt, lo lắng … trước khi tìm đến cái chết. Nhưng tiếc là những người xung quanh lại không nhận ra hoặc không quan tâm đúng mức để giúp đỡ kịp thời. Do đó cộng đồng cần có các chương trình, các sáng kiến để phát hiện những hoàn cảnh khó khăn và có các giải pháp quan tâm, giúp đỡ.

Cần phải mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ tâm lý xã hội, công tác xã hội và tuyên truyền rộng rãi về các dịch vụ đó để người dân biết và tìm đến khi họ gặp khó khăn.

Xin cám ơn bà!

Một số vụ thảm án gia đình gần đây:

-Tối muộn ngày 1/11, tại số nhà 218, đường Trần Phú, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, người thân phát hiện thấy 4 người trong ngôi nhà này chết bất thường. Trong đó người chồng chết trong tư thế treo cổ, 3 người khác chết trong tư thế đang nằm ngủ.

Quá trình khám nghiệm, Công an Thanh Hóa đã tìm thấy thư tuyệt mệnh và băng ghi âm giọng nói giống chủ ngôi nhà làm cửa hàng điện máy với lý do “do nợ nần, có sống cũng không bằng chết”.

-Chiều 12/11, người dân tại thôn 13, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái hoảng hốt phát hiện 3 bố con anh Phạm Chí Thành chết trong tư thế treo cổ tại nhà riêng. Công an tỉnh Yên Bái xác định Thành chính là nghi phạm gây ra vụ việc.

- Gần đây nhất, vụ 3 mẹ con ở Long An chết với nhiều vết cắt trên cổ vào ngày 19/11 cũng gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng có thể người mẹ đã giết các con rồi tự tử khi công an tìm thấy bức thư tuyệt mệnh với nhiều lời lẽ tiêu cực.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng nhận định, tính xác thực của bức thư tuyệt mệnh cần được làm rõ. Do đó, cơ quan công an quyết định khởi tố vụ án để làm sáng tỏ những vướng mắc xung quanh vụ án nghiêm trọng này.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giết người thân rồi tự sát: Bế tắc và tàn nhẫn