Dù nắng rát hay bão giông bất chợt, chúng tôi- những cán bộ BHXH vẫn không nhụt chí, ngày ngày men theo những triền đồi, những con đường lầy lội, gập ghềnh đưa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đến với bà con các dân tộc trên địa bàn. Chúng tôi muốn ngày càng có nhiều người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ an sinh xã hội.
Huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) có trên 81.000 người dân sinh sống rải rác, với nhiều dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng. Vượt qua những khó khăn về địa lý, tập thể CCVC BHXH huyện Cao Lộc đã nỗ lực, cần mẫn tạo dựng an sinh xã hội trên địa bàn.
Trong những ngày khẩn trương rà soát, phân loại đối tượng được ngân sách đóng BHYT và tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, những“màu áo xanh” mang biểu trưng của ngành BHXH Việt Nam lại tiếp tục như những con thoi đến từng thôn, bản, làng, xã để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với mọi người dân, với mong ước trong tương lai “mọi người già đều có lương hưu, được chăm sóc sức khoẻ bằng BHYT”.
Nhận thấy những bỡ ngỡ của người dân, ngay từ đầu tháng 7, BHXH huyện Cao Lộc đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Theo đó, đã tổ chức được trên 10 hội nghị tuyên truyền, đối thoại tại các thôn thuộc xã Tân Thành, Tân Liên, Xuất Lễ…, thu hút hàng trăm lượt người tham dự.
Chỉ tính từ ngày 1/7 đến nay, thông qua công tác tuyên truyền, BHXH huyện đã lan tỏa và vận động được 7.598 người tham gia BHYT hộ gia đình, 164 người tham gia BHXH tự nguyện. Những con số này minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ BHXH, khẳng định tính đúng đắn và sức lan tỏa mạnh mẽ của chính sách BHXH, BHYT.
Có đi mới hiểu đồng bào vùng biên còn nhiều khó khăn, vất vả. Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” vẫn hiện hữu với nhiều gia đình, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân bị giảm thu nhập do mất việc làm, nông sản rớt giá… Thế nhưng, cứ nói đến BHXH, BHYT, ai nấy đều háo hức và mong muốn được tham gia, để sau này thoát cảnh lo toan.
Dù cuộc sống khó khăn, nhưng hơn một năm qua, anh Lý Văn Thân (xã Tân Liên) vẫn duy trì đều đặn việc tham gia BHXH tự nguyện. “Tôi tham gia với mong muốn sau này được hưởng lương hưu, giảm bớt gánh nặng cho con cái khi hết tuổi lao động, phòng những lúc ốm đau, không biết bấu víu vào đâu, dù có phải rau cháo qua ngày”- anh Thân chia sẻ. Nghe những lời gan ruột của anh Thân, chúng tôi đều cảm thấy ấm lòng, bởi với những người dân lam lũ thì việc chắt chiu 5.000- 10.000 đồng mỗi ngày phải đánh đổi bằng bao mồ hôi công sức. Chính vì thế, chúng tôi- những người làm công tác an sinh càng thấy trân trọng những đồng tiền mà bà con tích cóp đóng vào quỹ BHXH, BHYT.
Trên những triền đồi hoang hoải nắng gió, những thôn bản lập loè ánh điện. Nhìn những cảnh đó, chúng tôi mong muốn một ngày không xa sẽ không còn những người già phải vất vả một nắng hai sương mà sẽ an nhiên vui sống nhờ vào tiền lương hưu. Những trăn trở và mong mỏi ấy đã thôi thúc chúng tôi bất chấp khó khăn, mệt mỏi đưa chính sách đến với mỗi người dân- dù chỉ đổi lại là sự gom nhặt những đồng bạc lẻ mà người dân chắt chiu tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
“Góp gió thành bão”, mỗi người dân chắt chiu dành dụm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cũng chính là để có nhiều hơn nữa cơn gió mát lành, thổi bớt đi những âu lo nhọc nhằn khi chẳng may ốm đau bệnh tật hay khi tuổi xế chiều. Ra về sau mỗi buổi tuyên truyền, sau lưng chúng tôi là những bản làng heo hút, xa xôi, không bóng dáng phồn hoa của phố thị; là những con người cần mẫn trên nương rẫy dù ráng chiều đã sập xuống tự khi nào… Giữa cằn khô sỏi đá, mầm an sinh mà chúng tôi đã và đang gieo chắc chắn sẽ sớm đơm hoa kết trái!