Buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử có tên gọi "Sắt son một niềm tin" tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khơi dậy trong mỗi đoàn viên thanh niên TANDTC những xúc cảm chân thành nhất.
Ngày 10/7, nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Chào mừng Đại hội Đảng TANDTC và 75 năm ngày Truyền thống TAND, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Đoàn Thanh niên TANDTC, tổ chức chương trình Tọa đàm, giao lưu với nhân chứng lịch sử có tên gọi "Sắt son một niềm tin".
Đến tham dự buổi Tọa đàm có ông Dương Tự Minh - Phó Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò. Ông là con trai của Giáo sư Dương Quảng Hàm, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.
Về phía TANDTC có đồng chí Lương Ngọc Trâm, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Thẩm phán TANDTC; đồng chí Nguyễn Đức Thường, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TANDTC; đồng chí Nguyễn Duy Nam, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TANDTC cùng nhiều đoàn viên, thanh niên các đơn vị thuộc TANDTC.
Ông Dương Tự Minh - Phó Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò giao lưu tại buổi tọa đàm
Tại cuộc Tọa đàm, các đoàn viên thanh niên TANDTC đã được nghe ông Dương Tự Minh kể về những câu chuyện xoay quanh quãng thời gian bị bắt giam tại Nhà tù Hòa Lò. Những câu chuyện được kể lại từ chính nhân chứng lịch sử đã khơi dậy trong mỗi đoàn viên thanh niên những xúc cảm chân thành nhất. Câu chuyện của ông đã cho thế hệ sau thấy được tinh thần hi sinh hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vừa sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nước anh em với một tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả.
Thông qua những câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử, một lần nữa, thế hệ trẻ được sống lại ký ức một thời hoạt động cách mạng sôi nổi của nhân chứng, được lắng nghe những câu chuyện lịch sự sinh động, cụ thể. Với niềm tin sắt son dành cho Đảng, thế hệ cha anh đã kiên cường vượt qua khắc nghiệt của chế độ nhà tù thực dân, dùng thời gian trong tù tự tu dưỡng để khi có cơ hội ra ngoài, tiếp tục phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, câu chuyện của nhân chứng lịch sử giúp đoàn viên thanh niên tham dự chương trình thấm thía hơn về ý chí, tinh thần chiến đấu gan dạ của những chiến sỹ cộng sản kiên trung. Qua đó, thế hệ đoàn viên ngày hôm nay càng củng cố thêm niềm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam và nâng cao tinh thần trách nhiệm, có hành động thiết thực, cụ thể, góp phần tri ân quá khứ và khơi dậy niềm tự hào dân tộc về những giá trị của di sản đất nước.
Đồng chí Lương Ngọc Trâm và ông Dương Tự Minh chụp ảnh lưu niệm với các đoàn viên thanh niên
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Lương Ngọc Trâm, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Thẩm phán TANDTC cho biết, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, Đảng bộ TANDTC luôn cố gắng cao nhất để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Đảng ủy TANDTC thường xuyên tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của quê hương, đất nước con người Việt Nam; nâng cao nhận thức và khơi dậy trong tuổi trẻ đoàn viên niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc; tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên tìm hiểu và khám phá những giá trị lịch sử to lớn của dân tộc được lưu giữ tại các bảo tàng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Đoàn Thanh niên TANDTC thắp hương tại Khu tưởng niệm Nhà lao Hỏa Lò
Trải qua chặng đường 73 năm (1947 - 2020), công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Việc tổ chức kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) là dịp để tổng kết đánh giá hiệu quả công tác quan trọng này của Đảng và Nhà nước ta.
Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân kiểm điểm công tác, đúc rút kinh nghiệm, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; tôn vinh các tấm gương điển hình tiên tiến của gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; động viên mọi người khắc phục khó khăn, vượt lên làm chủ cuộc sống; khơi dậy và phát huy tiềm năng to lớn của xã hội để chăm sóc tốt hơn nữa các đối tượng chính sách xã hội.
Đạo lý của dân tộc và ân nghĩa đối với người đi trước, mỗi người chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ này bằng ý thức tự giác, bằng cả tấm lòng như đối với người thân của chính mình. Phải làm sao từng bước để người có công với cách mạng được no ấm về vật chất, yên vui về tinh thần, con cháu người có công được phát triển toàn diện, xứng đáng với công lao của cha ông và sự phấn đấu của bản thân họ. Chăm lo cho người có công chính là việc làm để tôn tạo truyền thống quý báu của dân tộc; chăm lo cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.
Những câu chuyện được kể lại từ chính các nhân chứng lịch sử vẫn luôn khơi dậy trong mỗi người những xúc cảm chân thành nhất.