Giáo dục từ trong bào thai, giáo dục sớm cho trẻ từ 0 – 6 tuổi, dạy trẻ biết đọc sớm, biết làm toán… đó là một trong những hình thức của giáo dục sớm.
Khái niệm giáo dục sớm ở các nước Anh, Mỹ, Úc không mới nhưng ở Việt Nam trào lưu này mới phát triển những năm gần đây do tất cả đều mong muốn các bé có một sự khởi đầu giáo dục toàn diện với sự phát triển trí não ngay từ 1000 ngày đầu đời.
Các bậc cha mẹ cũng không ngại ngần đầu tư những khoản tiền không nhỏ để mong con “nhận biết mặt chữ từ 2 tuổi”; “biết đọc từ lúc lên 3” mà không hiểu hết được cách thức hoạt động cũng như bản chất của các phương pháp này.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm như Glenn Doman dạy con nhận biết sớm thông qua các thẻ, Shichida với nguyên tắc yêu thương, Montessori với nguyên tắc kỷ luật trong tự do… Việc áp dụng phương pháp nào để đạt được hiệu quả tốt nhất cho con mình cần phải sự hiểu biết kỹ lưỡng của cha mẹ. Không phải cứ cho con học theo phương pháp Glenn Doman, Shichida hay Montessori…là con có thể trở thành “thiên tài”.
Chính mong muốn của cha mẹ vô tình đã khoác lên người con một “gánh nặng” không cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
Ảnh minh họa
Giáo dục sớm để thành “thiên tài”
Chỉ cần gõ Google với cụm từ “giáo dục sớm cho trẻ” trong vòng 0,52 giây đã cho ra 478,000 kết quả với rất nhiều phương pháp khác nhau. Từ kinh nghiệm chia sẻ của các mẹ trên diễn đàn đến các công ty giáo dục đua nhau mở các khóa và học liệu giáo dục cho trẻ từ 0 – 6 tuổi.
Các trường mầm non tư thục theo phương pháp Monterssori hay Glenn Doman cũng được dịp mọc lên như “nấm mọc sau mưa”. Chi phí cho các học liệu cũng như một khóa học không hề rẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi bộ thẻ học dành cho các bé có giá từ 300.000 đồng – 800.000 đồng, thẻ làm bằng vật liệu khác nhau có giá khác nhau. Học phí ở các trường mầm non dạy theo phương pháp giáo dục sớm cũng khá “chát” trung bình từ 5.000.000 đồng – 7.000.000 đồng/ tháng. Các khóa dạy kỹ năng dành cho cha mẹ trung bình từ 500.000 – 600.000 đồng/khóa.
Thỉnh thoảng trên mạng các mẹ chia sẻ “con em 2 tuổi đã nhận biết được chữ cái”, “3 tuổi đã biết đọc” “3,5 tuổi đã đọc được tiếng Anh”... khiến các cha mẹ trẻ lại càng “phát cuồng” lên và tin rằng cứ cho con theo học giáo dục sớm, con cũng sẽ sớm biết đọc và thông minh hơn những đứa trẻ khác. Chính vì thế họ sẵn sàng “móc hầu bao” để đầu tư cho con mà đôi khi không thật sự hiểu biết về các phương pháp mình đang áp dụng.
Hiểu về Giáo dục sớm như thế nào?
Không ít cha mẹ suy nghĩ rằng việc tập đọc cho con bằng các thẻ chữ ngay từ tuổi rất sớm là một phương pháp giáo dục sớm. Nhưng cách thức hoạt động của họ không đúng (chú trọng quá nhiều hình thức), quá khô khan và áp lực lên các bé quá nhỏ, những điều này không có lợi ích gì trong việc phát triển trí não, thậm chí gây nhiều tác hại cho con. Do đó, hiểu rõ và thực hiện đúng về giáo dục sớm là điều nên làm khi cha mẹ đang muốn giúp trí não bé phát triển.
Theo các tài liệu nghiên cứu thì Giáo dục sớm không đơn thuần được hiểu như dạy đọc, dạy viết, dạy ngôn ngữ cho bé ở độ tuổi sớm. Đó là một khái niệm hẹp, nói đúng hơn là giáo dục sớm là tập trung giáo dục về giao tiếp, kĩ năng xã hội cho các bé ngay từ khi còn rất nhỏ và cuối cùng ngôn ngữ sẽ tự động phát triển một cách tự nhiên. Bằng cách đặt bé vào một môi trường năng động, với sự giúp đỡ, yêu thương của cha mẹ thông qua các trò chơi lành mạnh sẽ giúp các tế bào thần kinh liên kết chặt chẽ và làm tiền đề cho sự học hỏi, tư duy và sáng tạo.
Trong độ tuổi từ 0 – 3 tuổi, đây là giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất, gần như hoàn thiện về chức năng và liên kết như người lớn. Đây cũng là giai đoạn dễ tổn thương nhất, và tổn thương không phục hồi. Chính vì vậy trong giai đoạn này học theo cách khám phá, vui chơi và giao tiếp là chính. Tất cả các kiến thức thông qua 3 tiêu chí trên não bộ mới nhận, ngoài 3 tiêu chí trên não bộ không lưu nhận thậm chí nếu làm khác đi sẽ gây ra tổn hại đến sự phát triển bình thường của não.
Từ 4 – 8 tuổi là giai đoạn phát triển tiếp tục, là giai đoạn quan trọng trong phát triển ngôn ngữ và tư duy. Quan trọng nhất là đến 6 tuổi. Tổn thương trước 6 tuổi cũng là dạng không thể phục hồi. Giai đoạn này, trẻ em vẫn học theo phương thức khám phá, vui chơi, học hỏi là chính. Tuy nhiên khác với các giai đoạn trước, giai đoạn này trẻ em có thể được dạy về từ vựng, toán học, ngôn ngữ thứ 2 nhưng lưu ý, vui chơi và giao tiếp luôn luôn là chính.
Giai đoạn sau 8 tuổi, lúc nào bộ não của trẻ đã phát triển gần giống như của người lớn về chức năng và tính bền vững, nghĩa là não bộ đã thích hợp cho việc học hỏi ở giai đoạn cao hơn nhưng các hoạt động học tập phải luôn dung hòa với việc vui chơi của trẻ.
Dạy trẻ sao cho đúng
Theo báo cáo của Gs. Evangelou, ĐH Oxford, Anh Quốc, các hoạt động Giáo dục sớm phải phù hợp với từng độ tuổi và phải thỏa các tiêu chí theo độ tuổi ở trên.
Báo cáo của Gs Evangelou chỉ ra rằng, trẻ em dưới 1 tuổi chưa thích hợp giới thiệu mặt chữ, đọc chữ. Tuy nhiên các bé thích hợp cho việc đọc sách (ít nhất 10 phút mỗi ngày, chọn sách có hình và chữ to). 8-9 tháng tuổi nên tạo 1 thói quen mỗi ngày đều đọc sách cho bé mỗi tối, lúc đọc làm những tiếng động và âm thanh, ngôn ngữ trong sách.
Chơi cùng bé các hoạt động cấu trúc hình khối (vuông, tròn, trụ, tam giác), vật liệu (thô, ráp, giấy, vải), màu sắc. Khi chơi, cho bé chạm, cầm nắm và nói tên các món đồ chơi. Toán học cho bé: mẹ thường xuyên đếm 1-5 khi cắt móng tay bé, khi cho bé ngồi lên thú nhúng, khi cho bé chơi với những cái cốc hoặc món đồ chơi.
Khi trẻ có độ tuổi từ 1 – 3 tuổi, thích hợp giao tiếp với cha mẹ, với các bé khác bằng ngôn ngữ và cử chỉ. Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như chơi cát, hái hoa, lượm đếm lá rơi, nhặt đá ném mặt nước, chơi sắp nồi, lựa vớ vào rọ, lựa áo, quần, lựa màu sắc cùng loại.
Các bé từ 1 tuổi có thể tập cho bé nhìn chữ hoặc hình tập nói theo, nhưng giới hạn 5 chữ/ngày, đừng quá gượng ép, chỉ vui chơi là chính. Bé không thích thì cho bé chơi trò khác. Mẹ thường xuyên đếm 1-10 khi cho bé chơi xích đu, tập đếm cốc, cắt bánh kem, và hỏi xin bánh bé cầm trong tay. Các hoạt động chủ yếu là tự nhiên, lập lại, và hòa quyện vào hoạt động vui chơi kết hợp với dạy toán cho con.
Dạy ngôn ngữ thứ 2, mẹ đọc truyện có ngôn ngữ thứ 2 vào một thời điểm nhất định trong ngày. Mẹ cũng nên cho bé tham gia chơi cùng các bé khác ở các nhóm hội của các bà mẹ. Ở Anh, các bạn có thể đến thư viện cộng đồng để đặt lịch tham gia đọc sách, kể chuyện cho các bé, hoàn toàn miễn phí.
Khi giáo dục trẻ em, cha mẹ nên chú trọng đến lời nói của mình. Luôn luôn để cho con có sự lựa chọn thay vì nói “con lấy con mèo nhé” mẹ sẽ nói “con thích lấy con chó hay con mèo?”. Khen ngợi và cám ơn khi con muốn làm điều gì đó cho bạn là cách nhanh nhất để rèn luyện ngôn ngữ cũng như cách giao tiếp của con.
Hãy dạy bé cách xin lỗi và hãy dùng từ “nên” hơn là từ “phải”. bạn hãy nói” Mẹ nghĩ con nên xin lỗi Bà/Ba/ Cô/Chú/Bạn… hơn là con phải xin lỗi Bà/Ba/Cô/Chú/Bạn…”. Luôn cho bé những điều kiện để bé lựa chọn “Nếu con không cắn bạn, bạn sẽ cho con đồ chơi cùng…” thay vì quát nạt, dọa dẫm bé.
Quan trọng hơn trong giáo dục trẻ chính là khuyến khích con tự làm mọi thứ và tự đứng dậy khi ngã đặc biệt luôn khuyến khích trẻ nhận trách nhiệm. Đó mới chính là cách giáo dục thông minh, giúp con sớm nhận biết được hành vi của mình như thế nào là đúng và như thế nào là không đúng, con phải học cách tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình mà không phải do “các bạn” hay do “cái bàn, cái ghế” làm cho con ngã…
Giáo dục sớm cho con là một xu thế và cũng là cần thiết để tận dụng giai đoạn vàng trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần phải thông minh khi áp dụng các phương pháp học cho con mình và học với mục tiêu “tốt cho con” chứ không phải vì sĩ diện của cha mẹ. Đừng vì con tôi học ở trường này, trường kia, phương pháp này, phương pháp kia mà vô tình “tiền mất tật mang” tạo áp lực không cần thiết thậm chí là tổn thương nhận thức vĩnh viễn cho trẻ.