Giao dịch bất động sản tăng và nguy cơ bị “đẩy giá”

Thu Hằng| 11/08/2015 10:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giao dịch bất động sản tăng và nguy cơ bị “đẩy giá” là một trong những vấn đề đang được người có nhu cầu mua nhà ở quan tâm khi thấy lượng giao dịch bất động sản không ngừng tăng, trong khi giá bán hàng hóa trên thị trường này có xu hướng tăng nhẹ.

Một số dự án nằm ở vị trí thuận lợi có mức giá tăng hơn 10% nhưng vẫn được khách hàng săn đón. 

Việc “đẩy giá” được cho là mánh làm ăn của giới đầu cơ nhất là khi thị trường có tín hiệu và khả năng phục hồi tốt. Một số chuyên gia bất động sản đang so sánh thời điểm này với khoảng thời gian của năm 2008 với những đợt “lướt sóng” diễn ra khá phổ biến để hưởng chênh lệch tại các dự án chung cư, đất nền. Tuy nhiên, giai đoạn trước đó được xác định giới đầu cơ làm lũng đoạn thị trường, còn hiện nay, chính nhiều chủ đầu tư cũng chủ động tham gia việc “đẩy giá”. 

Giao dịch bất động sản tăng và nguy cơ bị “đẩy giá”

Hiện tượng bất động sản bị “đẩy giá” được cho là khó xảy ra tại thị trường phía Nam.

Tại một số dự án bất động sản Hà Nội, chủ đầu tư chủ trương bán hàng theo từng đợt. Mức giá bán căn hộ được giao cho các sàn tham gia phân phối thường cao hơn mức giá “gốc” do chủ đầu tư đặt ra từ vài trăm đến vài triệu đồng mỗi mét vuông. Khách hàng thông thường rất khó tiếp cận mức giá gốc và thường phải mua theo giá sàn đưa ra. Nhưng tùy sức hút của dự án và khả năng thanh khoản của thị trường để các sàn điều chỉnh mức giá và việc này phụ thuộc vào cung - cầu. Thậm chí, các đợt bán hàng tiếp theo cũng được các chủ đầu tư chủ động nâng giá gốc. Các động thái này cũng khiến tâm lý khách hàng dao động và dễ bị cuốn theo cơn lốc giá. 

Khác với thị trường Hà Nội, hiện tượng “đẩy giá” được cho là khó xảy ra tại thị trường phía Nam. Bởi lẽ trước tiên, thị trường này sau một thời gian dài “đóng băng” thì khách hàng đã rất “tỉnh táo”. Các sàn giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh phát triển rất mạnh, việc bán hàng ngày càng trở nên chuyên nghiệp và nếu tự phá vỡ “quy tắc giá” thì họ sẽ mất khách bởi sự canh tranh giữa các dự án để thu hút khách hàng khá gay gắt. Hiện tượng đầu cơ hầu như rất hãn hữu vì lượng hàng bung ra tại thị trường quá lớn, đa dạng cả về quy mô, vị trí và giá trị... khiến người có nhu cầu mua thực được thoải mái lựa chọn mà không cần phải vất vả “mua lại” để chịu chênh lệch. 

Giá nhà kể từ năm 2014 trở lại đây có sự tăng nhẹ từ 3% - 5%; trong đó có nhiều phân khúc tăng khá nhanh và thậm chí giá bán tại một số dự án gần bằng mức giá đỉnh điểm của năm 2011. Lượng giao dịch thành công cũng tăng đáng kể, nhất là phân khúc căn hộ chung cư. Điều này cho thấy, lòng tin từ phía người mua nhà cũng đã quay trở lại với thị trường. 

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, khi giao dịch tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là điều không tránh khỏi. Vấn đề chính là phải kiểm soát để thị trường không phát triển nóng và tạo ra bong bóng bất động sản. Muốn làm được điều này, cần tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị, kiên trì kiểm soát thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, tức là phải cân đối cung cầu. Chiến lược nhà ở quốc gia đã đưa ra mục tiêu để cải thiện nhà ở cho người dân thì thị trường cũng phải đáp ứng yêu cầu đó. Nếu được như vậy thì thị trường chắc chắn sẽ phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao dịch bất động sản tăng và nguy cơ bị “đẩy giá”