Giáo dục

Gian nan hành trình tìm con chữ của học trò vùng cao xứ Nghệ

Gia Ân – Hoàng Minh 17/03/2023 06:32

Năm học 2022-2023, với sự tài trợ của Tập đoàn Trung Nam, cơ sở vật chất trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được xây dựng mới hoàn toàn, khang trang và hiện đại. Đây là tiền đề quan trọng để đưa học sinh nhà xa vào ở trong trường. Tuy nhiên, sau hơn một học kỳ, việc tổ chức bán trú cho các em vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Nỗi niềm học sinh ở trọ

Nhà xa, kinh tế gia đình eo hẹp buộc các em học sinh vùng cao phải thuê trọ gần trường trong những khu nhà chật chội, ẩm thấp để tiết kiệm chi phí. Cậu học trò Lầu Bá Xừ (học lớp 11C9, trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nhà ở tít tận “cổng trời Mường Lống”, cách trường học hơn 50km, hiện đang ở trọ cùng hai bạn khác trong một căn phòng rộng chưa đầy 10m2 cũ kỹ, chật hẹp, lợp bằng Fibro xi măng.

Dù được hỗ trợ tiền ăn, ở và gạo theo Nghị định 116, nhưng mỗi tháng Xừ phải xin thêm gia đình 500 - 600 nghìn đồng để trang trải sinh hoạt.

gian-nan-tren-hanh-trinh-di-tim-con-chu-cua-hoc-sinh-vung-cao.jpg
Để giảm chi phí, các em học sinh ở trường THPT Kỳ Sơn phải ở chung từ 3-4 bạn với nhau trong căn phòng trọ chật hẹp rộng chưa đầy 10m2.

Cũng giống như Lầu Bá Xừ, hành trình thực hiện ước mơ theo đuổi con chữ của thiếu nữ Xồng Y Ồng (học sinh lớp 10C3, trường THPT Kỳ Sơn) cũng không kém phần gian nan, vất vả.

Nhà cách trường hơn 40km, thuộc bản Buộc Mú, xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), hàng tháng, cô học trò nhỏ chỉ về nhà một lần để được “tiếp tế” thêm lương thực như: gạo, rau củ, thức ăn khô dự trữ.

Xồng Y Ồng thuê trọ trong một dãy nhà có hơn 20 phòng. Đây cũng là nơi “tá túc” chủ yếu của học sinh trường THPT Kỳ Sơn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện thuê ở. Mặc dù được xây dựng sơ sài, tạm bợ nhưng với mức giá 500 nghìn đồng/tháng, nhiều em nhà ở các xã vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vẫn chọn thuê trọ gần trường, nếu ở 3-4 người/phòng trọ sẽ đỡ tiền phòng hơn.

Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn huyện Kỳ Sơn chỉ có duy nhất một trường THPT nên học sinh ở các xã đều tập trung về đây học với hơn 1.600 em; trong đó có khoảng 1.200 em phải thuê nhà trọ để ở do nhà quá xa. Có những em nhà cách xa trường từ 60-80 km như ở các xã Mỹ Lý, Keng Đu, Mường Lống...

Mong muốn đổi thay

Để giúp các em sớm khắc phục tình trạng phải đi thuê phòng trọ vừa tốn tiền lại không đảm bảo cho điều kiện sinh hoạt, học tập, trong năm học này, trường THPT Kỳ Sơn đã xây mới gồm cả khu nhà nội trú cho học sinh.

Ngoài hệ thống phòng phục vụ nhiệm vụ dạy học toàn diện, nhà trường còn có khu nhà ở nội trú cho giáo viên và học sinh, trong đó khu nội trú học sinh với 126 phòng ở có thể đáp ứng cho hơn 1.000 em.

Đây là tiền đề quan trọng để đưa học sinh nhà xa vào ở trong trường. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập tốt hơn; mặt khác giúp nhà trường có thể quản lý học sinh, tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện, hiệu quả.

gian-nan-tren-hanh-trinh-di-tim-con-chu-cua-hoc-sinh-vung-cao2.jpg
Các em học sinh trường THPT Kỳ Sơn trong một tiết tự học.

Thời gian qua, trường THPT Kỳ Sơn đã thí điểm đưa 300 học sinh diện bán trú vào trường ở với mô hình như nội trú. Cụ thể, các em sẽ ăn ở, sinh hoạt, học tập trong trường từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Trước mắt, nhà trường ưu tiên học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhà xa trường. Giáo viên và nhân viên toàn trường tự nguyện thay nhau hỗ trợ chăm sóc, quản lý học sinh. Thế nhưng, sau hơn một học kỳ, việc tổ chức bán trú cho các em vẫn gặp nhiều khó khăn, do vướng kinh phí hoạt động, chưa có cơ chế để tổ chức bán trú, cũng như thiếu nhân lực hỗ trợ.

Hiện nay, để từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc, trường THPT Kỳ Sơn đang thực hiện theo cơ chế trường dân tộc bán trú (DTBT) THPT “kiểu mới”. Bởi nếu đúng bản chất bán trú, học sinh chỉ ở lại ăn uống, nghỉ trưa, còn học sinh bán trú của trường thì lại ăn ở, sinh hoạt như nội trú từ thứ 2 đến thứ 6.

Do vậy, nếu chỉ nhìn vào chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, học sinh là người dân tộc thiểu số mỗi tháng được hỗ trợ hơn 500 ngàn đồng tiền ăn và 15kg gạo thì không đủ để tổ chức nấu ăn cả 3 bữa sáng, trưa, tối cho học sinh mỗi ngày. Chưa kể tiền điện, nước, hợp đồng nhân viên nấu ăn và tiền trực quản lý học sinh bán trú. Trong khi 55% học sinh của trường là con em hộ nghèo, việc vận động xã hội hóa để tổ chức bán trú là khó khả thi, nếu chưa có cơ chế tài chính của UBND tỉnh.

gian-nan-tren-hanh-trinh-di-tim-con-chu-cua-hoc-sinh-vung-cao3.jpg
Trường THPT Kỳ Sơn đang thí điểm thực hiện theo mô hình Trường Phổ thông DTBT THPT kiểu mới.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn sớm có cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mô hình Trường Phổ thông DTBT THPT kiểu mới với quy mô đầy đủ, đồng bộ. Qua đó giảm bớt khó khăn cho học sinh, phụ huynh và giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục hiệu quả. Đồng thời, quản lý học sinh tốt hơn và hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng”.

Hy vọng trong thời gian tới, được sự quan tâm của các cấp, các ban, ngành, thầy và trò ở vùng cao xứ Nghệ sẽ sớm giải được bài toán khó khi được áp dụng các cơ chế mới phù hợp cho mô hình Trường Phổ thông DTBT THPT kiểu mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan hành trình tìm con chữ của học trò vùng cao xứ Nghệ