Giãn cách nghiêm túc và thực chất

Mộc Miên| 19/08/2021 21:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi người hãy biết xót xa, biết đau đớn trước sự sinh tử và tổn thất của đồng bào mình, biến những đau thương đó thành lối ứng xử văn minh, hành động theo pháp luật và quy định để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Những ngày này, hàng triệu trái tim người dân cả nước đang thổn thức hướng về thành phố mang tên Bác. Hàng nghìn y, bác sỹ và tình nguyện viên từ mọi miền đất nước đồng loạt Nam tiến. Tất cả cơ sở vật chất có được nhanh nhất, tốt nhất, đến cả những liều vaccine còn “hôi hổi” chưa về đến sân bay đều đã được tính toán dành gửi cho TPHCM.

Tình cảm hai miền đất nước những ngày này chẳng khác thời chiến tranh là mấy, khi miền Nam còn bom rơi đạn nổ, miền Bắc cũng như đứt từng khúc ruột, từng ngày chia sớt thương đau. Thành phố mang tên Bác đang rừng rực đi lên bỗng chốc “đau ốm” vì chịu sự hoành hành dữ dội của dịch bệnh. Trong số hơn 4.000 ca tử vong vì COVID-19, có hơn 3.000 người đã ngã xuống tại TPHCM. Chứng kiến sinh mạng đồng bào bị cướp đi khiến những người con ở nhiều miền trên mảnh đất hình chữ S không khỏi xót xa.

Sáng ngày 15/8, TPHCM đã công bố phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong.

gian-cach-nghiem-tuc-thuc-chat-h1.jpg
Lực lượng trực chốt kiểm soát trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận làm việc khá vất vả trong sáng 13/8. (Ảnh: Thành Chung

Trước đó ngày 13/8, lãnh đạo TPHCM cho biết, trung bình trong 7 ngày qua, Thành phố ghi nhận 3.687 ca mắc/ngày. 32.000 trường hợp mắc COVID-19 đang được điều trị. TPHCM cũng có 10.420 F0 không triệu chứng đang điều trị tại nhà, 12.200 F0 đã điều trị trên 7 ngày theo quy định. Tỷ lệ tử vong của thành phố đang ở mức trung bình những ngày này là 241 ca/ngày.

TPHCM cũng đã trải qua 2 đợt liên tiếp áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều mục tiêu khác đã phải đặt xuống thứ yếu nhằm ưu tiên bảo vệ tính mạng của người dân. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, lãnh đạo TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục phải thực hiện Chỉ thị 16 sau ngày 15/8. Dự báo dịch có thể kéo dài, lãnh đạo thành phố kêu gọi người dân sẵn sàng tâm lý để “trường kỳ kháng chiến” ở những cấp độ khác nhau.

Giãn cách xã hội là câu chuyện không hề mới. Áp dụng giãn cách xã hội khi dịch có diễn biến phức tạp, ở mức độ nghiêm trọng, nhằm hạn chế sự tiếp xúc, lây lan bệnh ra cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế áp dụng Chỉ thị 16 tại một số tỉnh, thành vừa qua chưa đạt được mục tiêu như mong muốn, thể hiện mức độ nghiêm trọng của dịch chưa được cải thiện nhiều. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, qua kiểm tra, làm việc tại nhiều địa phương 19 tỉnh, thành phố tỉnh phía Nam, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở khu vực phía Nam là vô cùng đúng đắn.

“Chúng ta đều biết nếu thực hiện nghiêm túc giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ sau 2 đến 3 tuần, dịch sẽ giảm hẳn. Nhưng dịch chưa giảm, có nghĩa thực tế, đâu đó bên dưới vẫn thực hiện chưa nghiêm”, Phó Thủ tướng phân tích rõ.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng, trong khi đại đa số người dân có ý thức, trách nhiệm thì vẫn có không ít người lại thiếu ý thức, thậm chí không tuân thủ, vi phạm pháp luật và những quy định phòng chống dịch. Tại hầu hết các địa phương đều xuất hiện các vụ vi phạm của cả lực lượng phòng chống dịch và người dân như: cán bộ đánh bạc, đi chơi gôn, xem đất trong lúc chống dịch; người dân chống đối cán bộ kiểm soát tại các chốt kiểm dịch, tổ chức ăn nhậu tại nơi cách ly, trốn cách ly tập trung, khai báo y tế gian dối; thậm chí ngang nhiên vi phạm pháp luật trong khi áp dụng giãn cách xã hội như: đá gà, cá độ, sử dụng ma túy tập thể…

Đâu đó, việc sang chơi nhà nhau, buôn chuyện, hay giao lưu lại diễn ra thường xuyên hơn tại nhiều khu phố, tập thể, thôn xóm, bởi lẽ cả năm bận rộn đi làm, kiếm ăn, giờ giãn cách tại gia lại trở thành… cơ hội để hàn huyên.

Rồi “trăm lý do” để ra đường khi không phải đến công sở. Không nói đâu xa, cũng chính trong ngày 13/8 vừa qua, trong khi lãnh đạo TPHCM chia sẻ những con số đáng lo ngại về dịch bệnh khiến cho thành phố sẽ tiếp tục phải kéo dài thời gian giãn cách, thì trên tuyến đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Võ Thị Sáu (Quận 3), đường Quang Trung mật độ giao thông không kém ngày thường là mấy. Trên nhiều tuyến đường liên quận như Trường Chinh phương tiện xe cá nhân di chuyển rất đông về khu vực trung tâm thành phố, lượng người di chuyển qua các chốt hầu như không có ai bị buộc quay đầu.

Cùng thời điểm này, tại Hà Nội - Thủ đô của đất nước cũng đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nghiêm trọng khi có chuỗi ngày liên tiếp ghi nhận thêm những ca mắc cộng đồng không rõ nguồn lây. Hà Nội cũng đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đường phố đông đúc xe di chuyển trong khung giờ cao điểm, không kém gì những ngày chưa giãn cách xã hội.

gian-cach-nghiem-tuc-thuc-chat.jpg
Lượng phương tiện tham gia giao thông khá đông đúc trên nhiều tuyến phố Thủ đô Hà Nội. (Ảnh chụp trên phố Giải Phóng lúc 8 giờ 13 phút, ngày 13/8). Ảnh Lê Phú

Giãn cách xã hội nghiêm túc và thực chất cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị một cách nghiêm túc, đồng bộ, bài bản. Mỗi cán bộ, nhân viên tham gia phòng chống dịch cần nêu cao tính gương mẫu, nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ. Làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Nhà nước, Nhân dân và danh dự của những người được cộng đồng gửi trao niềm tin. Cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực ở mức cao nhất trong một cuộc chiến vô cùng gian nan, chấp nhận nhiều sự hy sinh và mất mát để giành giật lại những phút giây bình yên quý giá cho cho cộng đồng. Vì vậy, chỉ một phút lơ là, dễ dãi của mỗi cá nhân ở những vị trí, nhiệm vụ khác nhau, có thể khiến cho hàng triệu người tham gia phòng chống dịch và cả cộng đồng phải chịu hệ quả khôn lường mà không còn cơ hội cứu vãn.

Và cần hơn nữa là sự chung tay, tự nguyện, tự giác của toàn thể quần chúng nhân dân, cộng đồng xã hội. Đằng sau cụm từ “ai ở đâu ở đó” chỉ như một khẩu lệnh đơn giản nhằm giãn cách về địa lý, nhưng để làm được điều đó, mỗi cá nhân cần thể hiện lòng tự trọng, hy sinh đi những thói quen thường nhật vốn đã trở thành điều cấm trong trạng thái bình thường mới như: Không vì buồn chán mà ra đường, quậy phá, không sang nhà người khác chơi cho khuây khỏa, không gặp nhau tán chuyện giết thời gian...

Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với sự hy sinh của hàng ngàn, hàng vạn cán bộ chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch, ở đó đã có bao người gục ngã vì kiệt sức, có cả những người không còn cơ hội quay trở về gia đình.

Hàng trăm doanh nghiệp vì ngăn chặn dịch ra cộng đồng mà dừng sản xuất, chịu tổn thất nặng nề, thậm chí có thể phá sản vào ngày mai.

Hàng triệu lao động từ bỏ kế sinh nhai, hụt hẫng trở về quê để giảm áp lực chống dịch cho những thành phố lớn.

Hãy biết xót xa, biết đau đớn trước sự sinh tử và tổn thất của đồng bào mình, biến những đau thương đó thành lối ứng xử văn minh, hành động theo pháp luật và quy định để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giãn cách nghiêm túc và thực chất