Số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, hiện có hơn 250 triệu trẻ em đang phải lao động kiếm sống trên toàn cầu.
Ước tính hằng năm có hàng triệu trẻ vị thành niên trên khắp thế giới bị bắt buộc làm những công việc nặng nhọc, mại dâm hoặc những hành vi bất hợp pháp khác. Tình trạng lao động trẻ em trái phép đang tăng nhanh.
Việt Nam có 1,75 triệu lao động trẻ em
Theo báo cáo về thực trạng lao động trẻ em từ kết quả cuộc điều tra quốc gia được thực hiện từ năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% số trẻ em trên cả nước. Trong số đó, 55% số lao động trẻ em không được đi học, tỉ lệ các em phải làm việc bình quân trên 42 giờ/tuần (6 tiếng/ngày) chiếm tới hơn 32% số lao động trẻ em với tỉ lệ trên 96% không được đến trường. Trẻ em cũng có độ tuổi bắt đầu làm việc khá sớm, phổ biến từ 12 tuổi trở lên.
Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết tỉ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực và các chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng đã đánh giá là không hề trầm trọng. “Nhưng nếu trẻ em phải lao động sớm thì các quyền được phát triển, học hành, quyền được bảo vệ không bị xâm hại, bóc lột không được bảo đảm. Đồng thời nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất sử dụng lao động trẻ em sẽ bị đưa vào các danh mục các mặt hàng sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức gây ra nhiều bất lợi. Do đó chúng ta phải tìm giải pháp để chuyển lao động trẻ em sang trạng thái trẻ em làm việc”, thứ trưởng Diệp nhận định.
Cần xóa bỏ tình trạng trẻ em lao động nặng nhọc
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về lao động trẻ em và trẻ em làm việc. Thế giới có một quan điểm chung rằng không phải đứa trẻ nào làm việc cũng là lao động trẻ em. Gia đình nghèo thì trẻ em cũng phải giúp đỡ gia đình làm một vài công việc để trang trải cuộc sống. Để trẻ em làm việc không hề xấu nhưng trẻ em làm việc quá giờ, ảnh hưởng học hành, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần - trở thành lao động trẻ em thì cần phải ngăn cấm.
Cụ thể, với nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi thì thời gian làm việc khoảng 1 giờ/ngày thì được gọi là trẻ em làm việc chứ không phải là lao động trẻ em. Tương tự với nhóm tuổi 12-14 thì thời gian làm việc phải dưới 4 giờ/ngày, độ tuổi 15-17 không được làm việc quá 7 giờ/ngày thì được gọi là trẻ em làm việc. Nếu trẻ em làm quá số giờ trên hoặc làm các công việc nguy hiểm, độc hại, công việc cấm trẻ em tham gia thì sẽ trở thành lao động trẻ em.
Sau rất nhiều nỗ lực, với sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, lao động trẻ em ở Việt Nam đã được cải thiện. Khảo sát mức sống hộ gia đình từ năm 1992 cho thấy, trẻ em tham gia hoạt động kinh tế phần lớn tuổi từ 13 đến 17, gồm bốn nhóm chính: làm thuê, tham gia làm kinh tế gia đình, vừa làm thuê vừa làm kinh tế gia đình và tự kiếm sống, chủ yếu ở khu vực phi kết cấu liên quan đến sản xuất nông nghiệp (85%). Lao động trẻ em liên tục giảm: năm 1993 là 45%, năm 1997 -1998 xuống 30% và đến năm 2006 còn 6,7% (thấp hơn tỷ lệ trung bình của thế giới) song có xu hướng tăng trở lại từ khi suy thoái kinh tế.
Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng sử dụng lao động trẻ em nhưng chủ yếu xuất phát từ đói nghèo. Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, vùng càng nghèo như Tây Bắc, Đông Bắc Bộ, duyên hải Bắc Trung Bộ, số lao động trẻ em càng cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động rất chuộng sử dụng lao động trẻ em bởi trẻ dễ phục tùng, làm được một số công việc khéo léo hơn người lớn, giá nhân công rẻ.
Không thể phủ nhận lao động trẻ em góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, ít nhiều giáo dục ý thức yêu lao động, tự lập vươn lên, song, những hệ lụy từ hoạt động không được luật pháp công nhận này đã và đang đặt ra rất nhiều nguy cơ cho sự phát triển lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, giải quyết lao động trẻ em vẫn đang vấp phải khó khăn, thách thức. Đó là bất cập trong pháp luật, chính sách như một số khái niệm, quy định, nội hàm về lao động trẻ em chưa cụ thể, thống nhất, khó phân loại và dễ lẫn lộn cách hiểu; thiếu quy định về xử phạt lao động trẻ em dưới 15 tuổi, ranh giới giữa việc nhà và lao động trẻ em chưa rõ; thanh, kiểm tra chưa tiếp cận được khu vực không chính thức nên khó phát hiện, cưỡng chế xử phạt. Hạn chế trong cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, thiếu hụt cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em và cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; khoảng trống trong nhận thức và nguồn lực đầu tư ít cũng tạo nên rào cản.
Theo các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, đến năm 2016, Việt Nam sẽ xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, và đến 2020 sẽ xóa bỏ lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và giảm thiểu lao động trẻ em, trẻ em tham gia hoạt động kinh tế. Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi có giải pháp hợp lý và thực thi hiệu quả. Giải quyết từng giai đoạn với những mục tiêu cụ thể; lồng ghép lao động trẻ em với các chương trình quốc gia, tập trung những vấn đề bức xúc và địa bàn nóng, huy động toàn xã hội tham gia. Xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác về lao động trẻ em đang là đòi hỏi cấp bách bởi qua đó, cơ quan chức năng mới hình dung được "bức tranh toàn cảnh" nhằm hoạch định chính sách sát thực.
Việc rà soát, hoàn thiện khung luật pháp, cơ chế, chính sách về lao động trẻ em là rất cần thiết, nhưng duy trì thực thi nghiêm túc, thường xuyên cùng với giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về lao động trẻ em cũng quan trọng không kém. Muốn phòng ngừa, xóa bỏ triệt để tình trạng lạm dụng lao động trẻ em, không thể thiếu các biện pháp phòng từ xa, giảm thiểu tác động xấu như giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe; can thiệp trợ giúp về xã hội, y tế với các gia đình nghèo, trẻ em lang thang, trẻ ở vùng sâu, vùng xa...
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm chủ quản. Dự án được thực hiện với tổng mức vốn là 9,2 triệu USD, thực hiện với mục tiêu hỗ trợ việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam. Với dự án này, luật pháp và các chính sách liên quan tới lao động trẻ em được rà soát, bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, dự án cũng xây dựng các mô hình can thiệp lồng ghép theo vùng địa lý, lĩnh vực nghề nghiệp nhằm giúp trẻ em tránh khỏi các hình thức lao động tồi tệ... |