Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết rất đáng lo, đáng báo động trước nguy cơ dịch chồng dịch ở thành phố khi số ca mắc mới của dịch Covid-19 lẫn sốt xuất huyết đang tăng.
Thông tin tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ sáu, HĐND TP.HCM khóa X tổ chức sáng 7/7, Giám đốc sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có quốc gia nào công bố đã kết thúc đại dịch.
Sau hơn 2 năm cả thành phố căng mình chống dịch Covid-19, những kết quả khả quan đã đến, đặc biệt trong những tháng qua. Tuy nhiên, với những biến thể phụ xuất hiện, nguy cơ dịch chồng dịch, kết quả xấu có nguy cơ diễn ra.
Cụ thể, ông cho biết, dịch sốt xuất huyến đang bùng phát dữ dội, số ca mắc và ca tử vong tăng so với năm ngoái. Đến hết ngày 3/7, đã có 23.000 ca mắc sốt xuất huyết, 11 ca tử vong.
"Những trường hợp tử vong có trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai cũng có. Những tháng còn lại, thành phố bước vào cao điểm mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết và tử vong sẽ tăng nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống ngay từ hiện nay", ông Tăng Chí Thượng lưu ý.
Với dịch Covid-19, Bộ Y tế đã công bố việc biến thể BA.5 xuất hiện và số ca mắc mới tăng trở lại. TP.HCM cũng mới ghi nhận 2 mẫu dương tính với biến thể BA.4 và 1 mẫu dương tính biến thể BA.5, phát hiện qua tầm soát ngẫu nhiên.
"Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế thành phố cho thấy số ca mắc mới đã tăng nhẹ 3 tuần gần đây. Mỗi ngày, số ca mắc mới là trên 50 ca, trong khi trước đó chỉ khoảng 30 ca. Tuy nhiên, số ca nhập viện, ca nặng chưa có sự gia tăng rõ rệt", ông Tăng Chí Thượng phân tích.
Lãnh đạo ngành y tế TP.HCM nhấn mạnh, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhiều tháng, tuy nhiên, toàn thành phố không chủ quan khi xuất hiện các biến thể phụ. Bởi, những biến thể này lây lan nhanh, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát lại vẫn là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào.
Trước thực trạng đó, ngành y cần phải sẵn sàng nguồn lực theo những kịch bản xấu nhất của dịch Covid-19 và sốt xuất huyết, hạn chế tới mức thấp nhất số ca tử vong. Quan trọng hơn, các biện pháp cần được thực hiện quyết liệt, bền bỉ, đồng bộ.
Với dịch Covid-19, cần đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccin. Nguồn vaccine hiện nay của TP.HCM không thiếu, thậm chí là khá dồi dào. Ngày 4/7, TP.HCM đã nhận thêm 900.000 liều vaccine Pfizer để thực hiện tiêm chủng cho người dân.
Ngành y tế sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, bệnh viện, nhà máy, trường học... Tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho nhóm đối tượng ưu tiên.