Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo khi bước vào năm học mới. Khi đây là năm đầu tiên, thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới nên Bộ GD&ĐT cần tổ chức kỳ thi chất lượng, hiệu quả, giảm áp lực cho học sinh.
Trong chỉ thị ngày 4/9 về tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá chất lượng giáo dục có nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, các thành phố lớn và khu vực đông dân, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn thiếu trường, lớp. Ngoài ra, tỷ lệ trường đạt chuẩn và kiên cố hóa ở một số nơi còn thấp; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu chưa đảm bảo; tình trạng thừa, thiếu giáo viên xảy ra cục bộ.
Vì vậy, ông Chính yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương tiếp tục rà soát, tổ chức và sắp xếp mạng lưới trường học, điều chỉnh quy mô từng lớp, giảm các điểm trường lẻ và tăng trường bán trú, nội trú.
Khi quy hoạch khu đô thị mới, các tỉnh, thành cần dành quỹ đất xây trường học, chú trọng hình thành trường liên cấp dựa trên điều kiện thực tế địa phương.
Với đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục phối hợp với bộ Nội vụ rà soát số lượng biên chế, có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và dạy các môn mới theo chương trình 2018. Địa phương cần nghiên cứu, ra chính sách phù hợp để thu hút giáo viên tới công tác và gắn bó lâu dài.
Năm học tới, chương trình mới được triển khai đồng bộ từ lớp 1 đến 12. Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục và địa phương cung ứng đầy đủ sách giáo khoa, có phương án hỗ trợ sách cho học sinh ở các gia đình chính sách; dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho trường học và chuyển đổi số trong giáo dục.
Năm 2025 còn là thời điểm lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị đầy đủ để kỳ thi đảm bảo chất lượng, an toàn, nghiêm túc và hiệu quả, đồng thời giảm áp lực cho học sinh.
Riêng với mạng lưới trường đại học, cao đẳng sư phạm, Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh tự chủ, đặc biệt về tài chính, song phải gắn liền với trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch.
Các trường đại học cũng có nhiệm vụ phát triển hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; triển khai hiệu quả đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.