Về Bình Định chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Tiểu chủng viện Làng Sông

Đức Hồ| 04/03/2023 10:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bình Định được coi là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ. Tiểu chủng viện Làng Sông (ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) là một trong 3 cơ sở in sách quốc ngữ tại Việt Nam.

Nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ Quốc ngữ

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Quang cho hay, Tiểu chủng viện Làng Sông xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Tòa giám mục và Nhà in của địa phận Đông Đàng Trong cũng được xây dựng tại Tiểu chủng viện Làng Sông sau đó.

“Đây cũng là một vùng đất có nhiều gắn bó với việc ra đời và phát triển chữ Quốc ngữ, là nơi phôi phai chữ Quốc ngữ (1618 – 1622) và là một trong ba trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ, văn học Quốc ngữ ở Việt Nam (Nhà in Làng Sông)”, ông Quang nói.

Tỉnh Bình Định được coi là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ 17. Tiểu chủng viện Làng Sông là nơi đặt nhà in Làng Sông đầu tiên ở Đàng Trong. Giờ đây, Tiểu chủng viện Làng Sông là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách và người dân Bình Định, tìm về khám phá, tìm hiểu công trình kiến trúc cổ.

Về Bình Định chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Tiểu chủng viện Làng Sông

Nhà thờ Làng Sông được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic và là một công trình kiến trúc cổ tại Bình Định hút khách đông đảo tham quan trong thời gian qua.

Nhà thờ Làng Sông được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, một lối kiến trúc đặc trưng của người châu Âu trong xây dựng nhà thờ và cung điện. Có thể nhận rõ điều này bởi phần chính diện của nhà thờ được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí và những hoa văn hoạ tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc Thánh đường.

Mặt tiền của nhà thờ Làng Sông thoạt nhìn rất giống với kiến trúc Thánh đường Paul cổ kính ở Macao do người Bồ Đào Nha xây dựng. Tuy không hoành tráng và đồ sộ như Thánh đường Paul nhưng nhà thờ Làng Sông đến nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từng nét kiến trúc ngày xưa để lại.

Theo con đường giao thương đường thủy của các nhà buôn bắt đầu từ đầm Thị Nại, rồi ngược dòng sông Côn lên thượng nguồn, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã đặt chân tới Quy Nhơn và xây dựng nên nhà thờ Làng Sông. Đây cũng là một di tích còn sót lại của các giáo sĩ truyền giáo thuở xưa.

Trải qua hơn thế kỷ hình thành nhưng đến nay các công trình kiến trúc không lộ vẻ hoang phế mà trái lại vẫn lộng lẫy, cổ kín như chỉ vừa mới xây dựng.

Điểm du lịch đặc trưng của Bình Định

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn 10 km, đi qua một đoạn đường vòng vèo, uốn lượn Tiểu chủng viện Làng Sông hiện ra giữa những tán cây sao hàng trăm năm tuổi. 

Theo những người lớn tuổi ở đây, nhà thờ trước kia có tên gọi là Làng Sông, vì bao quanh là vùng ruộng đồng, sông nước nhưng rồi tấm biển đề ở cổng nhà thờ qua thời gian, bị phai mờ nên khi sửa lại theo phát âm của người địa phương, chữ “làng” được chuyển thành “lòng” và tên gọi đó được giữ cho đến bây giờ.

Theo tài liệu, tại Làng Sông, không chỉ có Tiểu chủng viện mà còn có cả một quần thể giáo phủ của giáo phận Đông Đàng Trong, đặc biệt có một nhà in do Đức Cha Eugène Charbonnier Trí thành lập. Đây là nơi góp công rất lớn cho việc phôi thai và truyền bá chữ Quốc Ngữ thuở ban đầu.

Nhà in Làng Sông được xây dựng khoảng năm 1872 và bị phá hỏng năm 1885. Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết, giao cho cha Paul Maheu làm giám đốc. Cha Paul Maheu học nghề in tại Hong Kong, thông thạo về kỹ thuật in ấn.

Về Bình Định chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Tiểu chủng viện Làng Sông

Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trong lần đi thăm Tiểu chủng viện Làng Sông.

Riêng trong năm 1922, dưới sự điều hành của cha Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng bán nguyệt san Lời Thăm được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương, tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in.

Đây còn gọi là nhà in Đông Đàng Trong, một trong 3 nhà in lớn nhất thời bấy giờ (cùng với nhà in Đàng Ngoài và Tây Đàng Trong). Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, được dời về Quy Nhơn.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh, thời gian qua, Sở cũng xây dựng kế hoạch, giới thiệu với du khách về Tiểu chủng viện Làng Sông là một địa điểm tham quan lý tưởng khi du lịch tại Bình Định.

“Du khách có dịp về Bình Định nên một lần ghé thăm khu nhà thờ Làng Sông để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ. Với không gian xanh mát của cây cỏ hòa cùng nét cổ kính của một kiến trúc xưa cũ sẽ khiến cho du khách ngỡ rằng mình đang ở nơi nào đó tại Châu Âu hàng trăm năm trước. Được thỏa sức mình tận hưởng những vẻ đẹp được lưu giữ của một kiến trúc cổ xưa, tìm vài phút giây thư thái trong không gian tĩnh lặng dưới hàng sao xanh cổ thụ, chắc hẳn cũng là một chuyến đi đầy ý nghĩa”, ông Thanh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Bình Định chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Tiểu chủng viện Làng Sông