Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn

Thanh Phương| 29/09/2018 10:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 29/9, UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị “Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và việc bảo tồn, phát huy Di sản lịch sử- văn hóa”.

Tại Hội thảo, các nhà sử học, học giả đã có bài tham luận về vai trò lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, những sự kiện rất quan trọng của Vua Lê tại vùng đất Lang Chánh.

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), đất và người Lang Chánh vô cùng tự hào, vì đã có những đóng góp cực kỳ to lớn, vùng rừng núi Pù Rinh đã trở thành căn cứ địa quan trọng thứ hai của cuộc khởi nghĩa, nơi nghĩa quân Lam Sơn ít nhất 3 lần rút quân lên để bảo toàn và củng cố lực lượng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại cuối cùng của cuộc khởi nghĩa.

Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Ngày nay, mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, bản làng của Lang Chánh vẫn còn in đậm dấu chân nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày gian khổ, hào hùng. Nhiều địa danh do Lê Lợi đặt tên, nhiều sự tích, truyền thuyết dân gian vẫn còn lưu giữ, trao truyền. Đặc biệt, 3 cụm di tích- danh thắng có liên quan tới anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, đã được xếp hạng di tích- danh thắng cấp tỉnh, đó là: Thác Ma Hao- Bản Năng Cát, Chùa Mèo và Thác Huối Láu.

Việc Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Lang Chánh tổ chức thành hội thảo là một sự kiện văn hóa, hoạt động khoa học lớn nhất của địa phương này trong nhiều năm qua. Lần đầu tiên, một huyện miền núi được chào đón một lực lượng đông đảo các nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học ở Trung ương và địa phương về tham dự một cuộc hội thảo khoa học về một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Hội thảo hôm nay càng có ý nghĩa, mở đầu cho chuỗi các hoạt động của Thanh Hóa và cả nước, hướng tới đại lễ kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm Vua Lê đăng quang và 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi của năm 2018.

Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn

Miếu thờ Nghĩa quân Lam Sơn trên núi Chí Linh

Kết quả của Hội thảo hôm nay sẽ là những cơ sở, luận cứ khoa học, giúp Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh, phối hợp với các ngành, các cấp, tiếp tục xây dựng các kế họach, đề án về công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy các di sản lịch sử- văn hóa về khởi nghĩa Lam Sơn. Nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, thờ phụng các anh hùng dân tộc có công với dân, với nước của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, nhất là kinh tế du lịch của địa phương, giáo dục truyền thống anh dũng, bất khuất của quê hương, đất nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên …

Theo sử sách ghi lại, mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở vùng đất Lam Sơn. Hay tin Lê Lợi dấy nghĩa, quân Minh đã tập trung lực lượng đàn áp, hòng tiêu diệt lực lượng nghĩa quân ngay trong trứng nước. Nhân dân vùng Lam Sơn và lực lượng nghĩa quân đã kiên cường chiến đấu chống lại quân Minh. Nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên Lê Lợi đã chủ động vừa chiến đấu vừa lui quân về Mường Mọt - một mường lớn của châu Lang Chánh, nay là xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Quân địch vẫn vây ráp và lùng sục ráo riết, Lê Lợi quyết định rút toàn bộ lực lượng từ Mường Mọt tiến sâu vào vùng núi Chí Linh.

Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn

Thác Ma Hao gắn với sự tích Lê Lợi thoát hiểm khi bị quân giặc truy sát

Bằng kế cho Lê Lai cải trang thành “Chúa Lam Sơn” tiến đánh quân Minh, Lê Lợi và nghĩa quân mới thoát cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Giai đoạn này, trước sự truy sát gắt gao của quân giặc, Lê Lợi không ít lần lui quân về địa bàn rừng núi Lang Chánh để củng cố và bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến. Và, ở đây, đồng bào dân tộc huyện Lang Chánh đã đùm bọc, đồng cam cộng khổ cùng nghĩa quân chiến đấu với quân thù.

Nói về địa danh núi Chí Linh thuộc dãy núi Pù Rinh. Đây là vùng núi cao có địa hình hiểm trở, phần lớn thuộc địa bàn xã Giao An và Trí Nang của huyện Lang Chánh. Nơi đây đóng vai trò là căn cứ thứ hai, là “nơi ra đi, chốn trở về”, “nơi che chở và nuôi dưỡng” nghĩa quân Lam Sơn trong suốt 10 năm chống giặc Minh. Hiện còn rất nhiều câu chuyện, tích về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn được người dân Lang Chánh lưu truyền, phục dựng và bảo vệ.

Tại xã Giao An nhiều dấu tích trải qua 6 thế kỷ vẫn còn lưu giữ. Đơn cử như Suối Lá (Huối Vớ) chảy qua địa phận thôn Chiềng Nang ở xã Giao An, tương truyền là nơi Nguyễn Trãi, trong những ngày “nằm gai nếm mật” đã cho người dùng mật, bôi lên lá cây dòng chữ “Lê Lợi vi vương, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần”, sau đó, kiến rừng ăn mật, vô tình đục thủng lá cây, để lại dòng chữ trên lá rồi thả xuống  khiến cho quân sĩ tin tưởng đây là mệnh trời, thêm dốc lòng đánh giặc.

Cạnh suối Vớ có suối Láu (tiếng Thái là rượu), theo truyền thuyết, nơi đây thủ lĩnh Lê Lợi đã cho đổ rượu xuống suối “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thề cùng các tướng sĩ đồng cam, cộng khổ chống giặc Minh khôi phục giang sơn... Hay như làng Chiềng Lẹn, xã Giao Thiện. Ngày nay nhân dân thôn Chiềng Lẹn còn lưu truyền: Một lần Lê Lợi chạy trốn giặc Minh qua đây, cả làng đóng góp lương thảo cho nghĩa quân rồi cùng Lê Lợi chạy lên làng Húng. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, đất nước hòa bình, nhân dân mới quay về làng làm ăn sinh sống. Vì lẽ đó mà làng có tên là Chiềng Lẹn (tức làng chạy).

Nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm vóc, giá trị lịch sử- văn hóa quý báu của những di sản về khởi nghĩa Lam Sơn, hướng tới kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh đang nỗ lực gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử- văn hóa về Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn