Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới

Bạch Dương| 30/10/2019 11:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là chủ đề của hội thảo quốc tế vừa được tổ chức ngày 29/10 tại Nghệ An, một trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc, 50 ngày mất và hướng tới 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mục đích của Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhằm đánh giá ý nghĩa, tác động của các hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước sở tại; khẳng định những ghi nhận của thế giới về các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong thời đại ngày nay; góp phần đánh giá tính hiệu quả của ngoại giao văn hóa trong việc giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam thông qua hình ảnh con người Việt Nam tiêu biểu, cụ thể là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: Bộ Ngoại giao luôn tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh chính là người khai sinh nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó có ngoại giao văn hóa – nhằm tạo động lực mới cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa - văn hoá của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, trong thời gian qua, được sự ủng hộ của các nước trên thế giới, các hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua việc tôn vinh Bác đã và đang được triển khai ở khắp các châu lục thông qua mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hình thức tôn vinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, một trong số những hình thức  có thể kể đến việc các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai linh hoạt, thực chất việc “học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hướng tới đối tượng là người Việt Nam nước ngoài. Bên cạnh đó, có nhiều người nước ngoài tham gia thông qua việc các cuộc thi sáng tác, viết và sưu tầm tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Hai là, tổ chức mít-tinh, nói chuyện, tọa đàm, triển lãm, hội thảo… nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Quốc Khánh Việt Nam và các sự kiện quan trọng khác. Các hoạt động trên nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các chính đảng, giới học giả, truyền thông của sở tại và phát huy được hiệu quả tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, nhân cách và sự thiên tài của Hồ Chí Minh dưới cả hai góc độ “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất”.

Ba là, xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim ảnh… về Hồ Chí  Minh. Riêng đối với sách, trong thời gian qua, đã có gần 40 cuốn sách của các tác giả nước ngoài về Người. Đây là một hình thức phổ biến trong việc vinh danh ở nhiều nước. Các buổi giới thiệu và phát hành ấn phẩm cũng là những cơ hội để thế hệ trẻ hiểu biết về Hồ Chí Minh và về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Bốn là, xây dựng, tu sửa các khu di tích tưởng niệm, bảo tàng, công viên, xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại những nơi Người đã từng sống và hoạt động . Các công trình này là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và sở tại, là nơi lưu giữ kỷ niệm về Người và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế, qua đó giúp tăng cường mối quan hệ.

Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” là một trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc, 50 ngày mất và hướng tới 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần thực chất vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”. 

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu bao gồm: lãnh đạo Bộ Ngoại giao; lãnh đạo tỉnh Nghệ An; lãnh đạo và cán bộ các Bộ, ban, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngoại giao văn hóa; cán bộ quản lý tham gia Đề án; các Đại sứ/ Trưởng Cơ quan đại diện nước ngoài và đoàn ngoại giao…

Hội thảo với những ý kiến đóng góp, tham luận đến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đặc biệt là các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam là sự kiện vô cùng ý nghĩa góp phần thực chất vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài" và tiếp tục khẳng định những ghi nhận của thế giới về các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới