Cái tát, cú đấm và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử

Đoàn Gia| 22/10/2016 11:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc sống gấp gáp của xã hội hiện đại phải chăng khiến con người không đủ thời gian để nói với nhau được một câu tử tế và có văn hóa?

Tôi đặt câu hỏi, bởi thời gian qua liên tiếp những vụ việc khiến dư luận bàn tán về cách hành xử giữa người với người ở nơi công cộng.

Một sự việc còn rất nóng, hai người đàn ông, một người tóm cổ, một người dùng sức mạnh cơ bắp đánh vào đầu một phụ nữ chân yếu tay mềm ngay tại một sân bay đông đúc. Tôi không tin được vào mắt mình khi xem đoạn video ghi lại cảnh trên. Và còn kinh ngạc hơn nữa khi biết một trong hai người đàn ông ức hiếp một phụ nữ ấy lại là một cán bộ làm trong cơ quan Nhà nước.

Dư luận tất nhiên mỗi người có một cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề khác nhau nhưng chung quy lại họ đều cho rằng hành vi đó là đáng khinh bỉ và hèn hạ. Tại sao hai đấng nam nhi và còn khoác áo cán bộ công chức lại có thể hành xử như vậy?

Có đồng nghiệp cho rằng cái tát đó là cái tát vào sự bình quyền nhưng tôi nghĩ chưa đến mức ấy. Đó chỉ là một phạm trù về văn hóa, khi tư duy giao tiếp của con người trong xã hội đang bị coi nhẹ, khi nền tảng về văn hóa ứng xử đang bị hao hụt đi.

Có một cái tát tương tự như thế xảy ra trước đó ít ngày tại Đà Nẵng. Cái tát của một phụ huynh học sinh dành cho cô giáo của con trai mình vì đã làm cậu bé xước má.

Nội dung câu chuyện khởi nguồn từ việc cậu bé học lớp 3/4 trường TH và THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vì không ngủ trưa nên bị cô giáo tên O. đánh vào má. Do móng tay cô O dài nên đã gây ra một vết xước mờ trên má cậu bé. Biết được sự việc, chị C (mẹ của bé trai) đã đến vào đúng giờ tan trường lao ngay vào tát một giáo viên khiến cô giáo này ngã dúi xuống đất.

Cái tát, cú đấm và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử

Hành vi dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn cho thấy sự xuống của văn hóa ứng xử trong cộng đồng

Khi hỏi ra thì nữ phụ huynh mới biết mình đã tát nhầm cô giáo khác. Điều làm tôi ngạc nhiên là nữ phụ huynh tát nhầm cô giáo trước mặt bao nhiêu học sinh cũng là một giáo viên đang công tác tại một cơ sở giáo dục khác.

Nữ phụ huynh nhận “mưa gạch đá” từ dư luận. Họ hỏi, với hành vi như thế chị có xứng là một giáo viên hay không? Chị dạy gì cho học trò của mình?

Chiều ngày 21/10, chị C đã bị phạt hành chính 7 triệu đồng và ngôi trường nơi chị công tác đã áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Tôi không bình luận thêm về vụ việc này, bởi chị C đã phải trả một mức học phí quá cao cho bài học mà chị đã không tiếp thu được hoặc là không được truyền đạt trong trường sư phạm. Đó là bài học về đạo đức và văn hóa ứng xử.

Trở lại vụ việc tại sân bay Nội Bài, cơ quan chức năng đã rốt ráo xử lý nghiêm khắc hai hành khách có hành vi vô văn hóa, ức hiếp nhân viên hàng không bằng hình thức cấm bay. Và tất nhiên đó chưa phải là hình thức xử lý duy nhất đối với hai người này vì các bên liên quan vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trong vụ việc này, cũng có một hành động khác đang được dư luận tán đồng là việc một người đàn ông đã “tung chưởng” giải cứu nữ nhân viên bị hành hung. Họ gọi người đàn ông ấy theo cách thời thượng là “soái ca”.

Xét về lý, rất nhiều luật sư đã giải thích rằng hành động của “soái ca” này là phòng vệ chính đáng, không có căn cứ để xử lý người đàn ông hiệp nghĩa này về tội Gây rối trật tự công cộng hay Cố ý gây thương tích. Tôi cũng đồng ý như vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp này có nhất thiết “soái ca” ấy phải dùng vũ lực hay không?

Tôi luôn không đồng tình với cách dùng bạo lực để đáp trả một hành vi bạo lực khác nếu chúng ta là người có văn hóa. Điều ấy có khác gì chúng ta ném thêm củi khô vào đống lửa. Bạo lực này lại sinh ra một bạo lực khác, mâu thuẫn này lại nối tiếp một mâu thuẫn khác. Xã hội sẽ biến thành cái gì nếu chúng ta chỉ quen dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn?

Một sự thật rất đáng buồn là những hành vi bạo lực mà báo chí vừa nêu đều khởi phát từ những người trí thức, cán bộ cơ quan Nhà nước, những người học cao, hiểu rộng. Nét đẹp trong văn hóa ứng xử đang dần bị thay thế bằng những hành vi phi văn hóa, bạo lực và chợ búa.

Trong nhà thì quên chào hỏi người lớn, ra ngoài thì cư xử thiếu văn hóa với phụ nữ, sau mấy câu chửi đổng là lao vào đấm đá nhau. Những hiện tượng ấy đang ở mức phổ biến trong xã hội của chúng ta. Cội rễ là giáo dục nhưng một phần trong đó cũng là cách xử lý không nghiêm. Nếu cứ coi cú đấm, cái tát chỉ là "gạt tay trúng má" thì hành vi ứng xử giữa người với người sẽ còn tệ hại lắm!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái tát, cú đấm và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử