Cha cõng con: Cảm hứng từng nỗi ám ảnh

Minh Khang| 19/01/2017 13:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ phim nghệ thuật Cha cõng con được đạo diễn kiêm biên kịch Lương Đình Dũng lên kế hoạch thực hiện trong hơn 6 năm qua và mới chính thức hoàn thành hồi tháng 11/2016.

Ê-kíp sản xuất đang đưa tác phẩm tới tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, trước khi trình chiếu cho khán giả Việt Nam vào tháng 4 tới.

Cảm hứng từng nỗi ám ảnh hình ảnh con đánh cha

“Tôi rất nhiều lần đã muốn bỏ Cha cõng con. Khi định ghi hình năm 2013, bối cảnh quay gặp lũ quét. Tôi suy sụp tinh thần tới mức mất ăn, mất ngủ, không dám trò chuyện với ai suốt một tuần liền. Nhiều lúc tôi muốn chuyển sang làm việc khác, chọn dự án khác. Nhưng rồi sự đau đáu mà cá nhân dành cho Cha cõng con vẫn còn đó, và tới năm 2015 thì phim chính thức khởi quay”, Lương Đình Dũng hồi tưởng.

Nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông thông qua các tác phẩm đĩa hài hoặc phim quảng cáo, nhưng Cha cõng con mới là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Lương Đình Dũng. Kịch bản phim do chính anh thực hiện khiến nhà biên kịch nổi tiếng của Hollywood là Pilar Alessandra rơi lệ, và bà quyết định biên tập nó miễn phí cho anh.

Cha cõng con: Cảm hứng từng nỗi ám ảnh

Nói đến ý tưởng của Cha cõng con - tác phẩm mang chủ đề tình phụ tử - Lương Đình Dũng tiết lộ: “Năm mới 6 tuổi, có một hôm tôi đi cùng bố. Khi ấy, tôi gặp cảnh một cậu con trai 18 tuổi dùng đòn gánh phang cha đẻ. Cuối cùng, do bố tôi là một võ sĩ quyền Anh, ông đã ra can ngăn. Người cha bị đòn khi ấy bảo rằng con ông say rượu nên đánh mình, và hy vọng đứa con máu mủ sau này sẽ thay đổi.

Tôi rất sợ hãi và cảm thấy ám ảnh bởi câu chuyện đó suốt một thời gian dài. Khi lớn lên, tôi tiếp tục chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau thương khác trong xã hội. Cha cõng con ra đời với mong muốn bộ phim được đến với mọi gia đình, tôi muốn khơi gợi tình người trong ai đó đang để quên vì cuộc sống xô bồ. Tình phụ tử hay tình mẫu tử là điều vĩ đại và rất thiêng liêng”.

Cha cõng con: Cảm hứng từng nỗi ám ảnh

Quá trình ghi hình Cha cõng con thực sự vất vả, nhưng cũng rất lý thú. Ban đầu, Lương Đình Dũng định sử dụng kỹ xảo cho các cảnh mưa bão. Nhưng sau khi khảo sát một số đơn vị, anh cảm thấy không ưng ý. Nếu có quyết làm thì rất tốn kém, nhưng không chắc chắn phim sẽ trung thực được không. Rốt cuộc, ê-kíp quyết định quay đúng vào giữa mùa mưa bão để bộ phim có được những cảnh quay chân thực nhất.

 “Cảm xúc trong tôi rất lẫn lộn. Bối cảnh chính của bộ phim cao hơn 100 m trên đỉnh đồi, có sự tham gia của nhiều trẻ em, và tất cả diễn ra trong mùa mưa lũ. Tôi bị quyến rũ bởi những điều ấy, nhưng đồng thời còn cảm thấy mình phải mau chóng hoàn tất dự án, để có thể chuyên tâm thực hiện công việc khác và được ‘giải thoát’ khỏi sự ám ảnh hình ảnh người con đánh cha khi tôi thấy còn nhỏ”, Lương Đình Dũng nói.

Có rất nhiều điều may mắn xảy ra trong quá trình Cha cõng con ghi hình. Chỉ đúng sau khi hai ngày phim đóng máy, bối cảnh quay chính lại gặp lũ lớn, bị cuốn phăng đi tất cả. Nếu như tiến độ quay chỉ cần chậm một vài ngày thôi, bộ phim chắc chắn sẽ không thể hoàn thành.

Những người cộng sự đặc biệt

Ở buổi hậu kỳ cuối cùng, ê-kíp Cha cõng con đã làm ra bản phim thứ 78, tức họ đã phải xem đi xem lại, chỉnh sửa nhiều lần tác phẩm. Nhưng tại thời điểm đó, thành phẩm vẫn khiến một thành viên trong đoàn rơm rớm nước mắt. Đó là nhà quay phim Lý Thái Dũng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng gián tiếp ca ngợi nhà quay phim tài ba của mình rằng: “Trong các bộ phim chiến tranh, khung hình của Lý Thái Dũng rất chắc chắn. Đến Cha cõng con, tôi cần sự trong sáng kiểu trẻ con. Nhiều người nghĩ các vị họa sĩ tài ba thì làm sao vẽ được những bức tranh ngây thơ như trẻ con ba tuổi. Thật tuyệt vời, khi anh ấy làm điều đó một cách hoàn hảo”.

Cha cõng con: Cảm hứng từng nỗi ám ảnh

Thực hiện nhiều cảnh quay ngoại, lại bị lệ thuộc vào thời tiết, nhưng nhà quay phim Lý Thái Dũng không cho rằng đó là khó khăn. “Chúng tôi chuẩn bị rất kỹ càng về mặt kỹ thuật. Bất kỳ thời tiết nào cũng có giá trị của nó, và đã quay phim tức là vất vả, chỉ là ít hay nhiều thôi”, anh khiêm tốn cho biết.

Quay phim Lý Thái Dũng đi theo “chủ nghĩa duy cảm, coi trọng cảm xúc hơn giá trị thị giác”. Theo anh, 70% kế hoạch đã được hiện thực hóa, bởi đó là quá trình chuẩn bị rất dài khi kịch bản phân cảnh được vẽ đến 974 hình. 30% còn lại phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của ê-kíp.

Âm nhạc trong Cha cõng con cũng là một điều đáng chờ đợi, bởi nó được thực hiện bởi Lee Dong Jun - nhà soạn nhạc của nhiều bom tấn Hàn Quốc ăn khách như Cờ bay phấp phới, Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7...

Đây là một nghệ sĩ tài năng có tiếng của xứ kim chi, với khả năng biến hóa uyển chuyển theo đề tài của từng dự án. Ban đầu, Lee Dong Jun nhận kịch bản từ Lương Đình Dũng và cảm thấy chút ngần ngại. Nhưng sau khi xem bản dựng đầu tiên của bộ phim, nghệ sĩ Hàn Quốc quyết định nhận lời bởi anh “không nghĩ tác phẩm lại tốt đến thế”.

Theo dõi Cha cõng con, khán giả có cơ hội gặp lại Ngô Thế Quân - nam diễn viên của bộ phim Thời xa vắng (2003). Anh vốn xuất thân là người chuyên thiết kế mỹ thuật cho tạp chí, sách báo. Ngô Thế Quân cho biết anh là người yêu điện ảnh và một cuộc gặp gỡ tình cờ với đạo diễn Hồ Quang Minh đã đưa mình tới các phim trường.

Cha cõng con: Cảm hứng từng nỗi ám ảnh

“Tôi không phải là người chuyên nghiệp, chỉ diễn xuất theo bản năng. Khi đóng phim, tôi cũng không tập dượt gì nhiều, chỉ đứng trước máy quay và diễn theo kịch bản. Ý thức rằng mình không phải là dân chuyên nghiệp, nên tôi không tham gia quá nhiều dự án, hoặc phải thấy dự án nào thực sự tâm đắc mới nhận lời”, Ngô Thế Quân nói.

Một gương mặt đặc biệt nữa của Cha cõng con là Hà Văn Hiếu - đô vật từng giành hai huy chương vàng SEA Games - trong vai một chàng mù.

“Đây là lần thứ hai tôi đóng phim sau một dự án trước đây của anh Bùi Thạc Chuyên. Đó cũng là cơ duyên đưa tôi đến Cha cõng con. Ban đầu tôi nghĩ đóng vai mù rất khó, nhưng dưới sự chỉ dẫn của anh Lương Đình Dũng, tôi không gặp mấy khó khăn.

Tôi muốn thử sức trong lĩnh vực điện ảnh để xem khả năng ra sao, nhưng cũng không muốn chuyển hẳn sang nghiệp diễn viên. Bởi công việc chính của tôi lúc này là huấn luyện viên, đào tạo vận động viên thành tích cao cho quốc gia. Giờ tôi thậm chí vẫn còn có thể thi đấu ngon lành”, đô vật bộc bạch.

Cha cõng con còn có sự tham gia hơn 20 diễn viên nhí. Riêng cậu bé mồ côi Đỗ Trọng Tấn sắm vai chính bé Cá có một người chăm sóc riêng trên trường quay. Các nhóc còn lại được chia theo nhóm và đều có nhân viên theo sát để chăm sóc về các vấn đề y tế. Nhóm diễn viên nhí và toàn bộ đoàn làm phim đều được mua bảo hiểm, bởi nhà sản xuất ý thức được sự nguy hiểm của quá trình bấm máy.

Cho tới giờ, đạo diễn Lương Đình Dũng dự kiến phát hành Cha cõng con vào tháng 4. “ Liên hoan phim hay sự kiện điện ảnh chỉ là cầu nối để đưa phim đi giới thiệu với bạn bè quốc tế, đó mới là mục tiêu chính..”, anh nói. Theo kế hoạch, đến tháng 6, anh sẽ bấm máy dự án tiếp theo mang tên Thành phố ngủ gật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cha cõng con: Cảm hứng từng nỗi ám ảnh