Công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm không nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích

Theo Đời sống & Tiêu dùng| 20/11/2014 20:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc xây dựng công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ đã được UBND TP Hà Nội nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho phép UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thiện hồ sơ thi công.

Hà Nội cũng không “giấu dân” để xây dựng công trình và vị trí của công trình này cũng không nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Phối cảnh Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm
Phối cảnh Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm

Thời gian gần đây, dư luận hết sức quan tâm về việc Hà Nội cho phép triển khai tiếp công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, có vị trí sát Hồ Gươm mà trước đó, UBND TP Hà Nội đã tạm đình chỉ. Bên cạnh những ý kiến đồng tình ủng hộ cũng có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, liệu rằng khi công trình hoàn thành có ảnh hưởng tới cảnh quan kiến trúc khu vực Hồ Gươm, phá vỡ không gian lịch sử quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục? Thực hư sự việc này ra sao, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu.

Có hay không chuyện “giấu dân để phá vỡ quy hoạch”?

Theo Báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, khu đất số 2 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống có vị trí tại ngã 3 phố Lê Thái Tổ, Lương Văn Can và một phần bề mặt Quảng trường Đông kinh nghĩa thục tiếp nối tòa nhà Long Vân - Hồng Vân. Vị trí xây dựng công trình không nằm trong phạm vi khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích, nằm trong vùng phụ cận của Hồ Hoàn Kiếm.

Bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1:500 số 04.29/HT do công ty Địa chính Hà Nội thuộc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội lập tháng 02/2004 thể hiện rõ vị trí khu đất là dãy nhà cấp IV một tầng mái tôn và có một số kios. Ngày 02/3/2006, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, cho Nhà Văn hóa quận Hoàn Kiếm; với diện tích đất sử dụng riêng là 242,2m2.

Từ năm 2009, UBND quận Hoàn Kiếm lập dự án đầu tư công trình xây dựng tại địa điểm này. Trong quá trình triển khai chuẩn bị đầu tư dự án, do có kiến nghị của các hộ dân liền kề, các cơ quan báo chí và một số ý kiến chuyên gia phản ánh trực tiếp và qua công luận về việc xây dựng công trình nên tháng 6/2010, UBND TP Hà Nội có Thông báo tạm dừng thi công xây dựng công trình tại số 2 Lê Thái Tổ; giao sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các chuyên gia và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án quy hoạch kiến trúc đầu tư xây dựng tại đây để báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định.

Ngày 13/02/2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản báo cáo về 02 phương án được Hội đồng Kiến trúc- Quy hoạch Thành phố xem xét đề xuất là: Xây dựng công trình hoặc xây dựng vườn hoa, cây xanh, tượng đài.

Ngày 13/9/2012, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND quận họp lấy ý kiến thống nhất với Thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam và ngày 28/9/2012 Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức họp lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố (lần thứ 1) với 14 phiếu/tổng số16 thành viên tán thành xây dựng công trình, không làm vườn hoa.

Đến ngày 05/11/2012, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố với 14 phiếu/tổng số 20 thành viên (lần thứ 2) tán thành xây dựng công trình, không làm vườn hoa; Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố đã thống nhất thông qua phương án quy hoạch kiến trúc và có Thông báo kết luận của Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc quy hoạch Thành phố.

Thông báo có đoạn, “Công trình tạo điều kiện kết nối phần kiến trúc mặt đứng tòa nhà Long Vân-Hồng Vân (hiện đang có đầu hồi rất mỏng, không tương xứng với mặt nhà giá trị hiện có); hoàn thiện ô phố quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và bộ mặt khu vực trung tâm lịch sử ... Việc sớm quyết định và hoàn thành công tác xây dựng tại khu đất số 2 phố Lê Thái Tổ là cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thiện cảnh quan lô phố và khu vực, không để tình trạng quây tôn kéo dài như hiện nay. Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thống nhất chọn phương án xây dựng công trình....

Ngày 20/12/2012, UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý với phương án đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và giao Sở này hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm hoàn chỉnh thiết kế công trình; thẩm định và phê duyệt kiến trúc công trình tại khu đất số 2 phố Lê Thái Tổ theo quy định.

Ngày 15/4/2013, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản số 994/QHKT-P2 về việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của công trình xây dựng số 2 Lê Thái Tổ với nội dung:

- Chức năng công trình: Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm.

- Diện tích lô đất: 242,2m2; Diện tích xây dựng khoảng: 157 m2; Mật độ xây dựng không vượt quá: 64.8%. Mật độ diện tích xây dựng sử dụng tầng 1 khoảng: 32.9% và công trình xây dựng có khoảng lùi phù hợp, kết hợp với tạo lập kiến trúc cảnh quan đường phố.

- Tổng diện tích sàn xây dựng (các tầng nổi) : 423.8m2; Tầng cao công trình: 03 tầng + 01 tầng hầm và 1 tum thang kỹ thuật; Tổng chiều cao công trình từ cốt vỉa hè đến diềm mái là 10,1m và đến đỉnh tum thang là 13,6m.

Như vậy, chỉ trong 5 năm (2009-2014), UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm và các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp, lắng nghe ý kiến của người dân và các nhà nghiên cứu về xây dựng công trình.

Việc UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản; cho triển khai dự án, tạm dừng thi công và cho tiếp tục thi công dự án thể hiện sự cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng của cơ quan này đối với công trình và sự ảnh hưởng của nó đối với cảnh quan Hồ Gươm. Các quyết định và các cuộc họp được công bố công khai để người dân và các nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến, hoàn toàn không có chuyện “nhập nhèm” hay “giấu diếm”.

Công trình văn hóa, ai được hưởng lợi?

Hiện trạng xây dựng công trình tại số 2 Lê Thái Tổ
Hiện trạng xây dựng công trình tại số 2 Lê Thái Tổ

Trao đổi với phóng viên, Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, khi nghiên cứu và so sánh các phương án quy hoạch kiến trúc đề xuất; các nhà nghiên cứu và nhà quản lý đều cho rằng, với phương án xây dựng vườn hoa do khu đất có diện tích rất nhỏ nên không phù hợp, ở vị trí dễ mất an toàn giao thông và không có giải pháp khắc phục kiến trúc lộn xộn của các công trình riêng lẻ liền kề tiếp giáp khu đất, cũng như không có khả năng hoàn chỉnh quy hoạch kiến trúc của ô phố.

Việc chọn lựa phương án quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình sẽ hoàn chỉnh tổng thể tổ hợp kiến trúc với công trình Long Vân - Hồng Vân tạo hình thái kiến trúc hoàn chỉnh ô phố, đóng góp hiệu quả vào không gian cảnh quan đô thị khu vực và cho quảng trường Đông kinh nghĩa thục, phù hợp với không gian và quy hoạch khu vực được duyệt.

Công trình được xây dựng với mục đích văn hóa, là nơi tập hợp, lưu trữ và trưng bày những di sản văn hóa của quận Hoàn Kiếm nói chung và quần thể di tích Hồ Gươm nói riêng. Công trình khi hoàn thành cũng sẽ trở thành một điểm đến du lịch thú vị cho khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến tham quan và tìm hiểu những nét đặc sắc của di tích Hồ Gươm.

Hiện, tại công trình xây dựng số 2 Lê Thái Tổ, đơn vị thi công đã thực hiện việc dựng hàng rào tôn để đảm bảo an toàn, mỹ quan trong quá trình xây dựng. Bên ngoài, biển báo công trình được treo công khai để tiện cho người dân theo dõi; bên trong, công tác giải phóng mặt bằng đã được giải quyết, máy móc và một số thiết bị được sắp xếp gọn gàng để chuẩn bị thi công. Đến nay, hoạt động của công trình chưa ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và cảnh quan Hồ Gươm như một số người lo ngại.

Ông Trần Văn Nguyên, một người dân ở phường Hàng Trống bày tỏ sự đồng tình với việc xây dựng công trình trên khi cho rằng “nếu lựa chọn giữa xây dựng vườn hoa và công trình văn hóa, tôi nghĩ xây dựng công trình văn hóa sẽ có ý nghĩa hơn, bởi đó sẽ là nơi lưu giữ và trưng bày những di sản đặt biệt của Hồ Gươm lịch sử, là địa chỉ để khách du lịch, nhà nghiên cứu và con cháu chúng ta hôm nay, mai sau dễ dàng tìm hiểu, khám phá, như vậy công trình này mang lợi ích cho nhiều người, nhiều thế hệ với ý nghĩa tinh thần to lớn về mặt lâu dài”.

Ông Nguyên nói, “nếu xây dựng vườn hoa thì cần phải có quy hoạch cụ thể, chứ không phải cứ chỗ đất trống thì làm vườn hoa. Làm vườn hoa thì người hưởng lợi chủ yếu là những người dân sống xung quanh, nếu quản lý không tốt, ý thức không cao thì chả mấy chốc vườn hoa lại biến thành nơi kinh doanh buôn bán, bị xâm phạm và có thể làm xấu đi hình ảnh xung quanh Hồ Gươm”.

Trong khi đó, bà Dương Ngọc Mai, đại diện một công ty chuyên tổ chức tour du lịch quốc tế đến Việt Nam nhận định rằng, với vị trí và mục đích được thiết kế xây dựng, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm sẽ là một điểm đến hút khách trong thời gian tới.

“Thông thường những đoàn khách quốc tế tham quan tại Hồ Gươm xong, họ muốn tìm hiểu những thông tin về lịch sử, những hiện vật, chứng tích lại phải đi nhiều nơi khác, ví dụ như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam… hoặc qua các thông tin khác khiến họ mất nhiều thời gian và không tìm hiểu được nhiều. Vì vậy, có một địa điểm để tập hợp, giữ gìn, trưng bày và giới thiệu những điểm đặc biệt về văn hóa của Hồ Gươm ngay tại nơi tham quan là một việc làm hết sức cần thiết” – bà Mai nói và cho biết, hoàn toàn ủng hộ việc Hà Nội xây dựng công trình văn hóa tại khu vực này.

Trong một diễn biến khác, trả lời về những thông tin liên quan đến công trình trên, ông Nguyễn Văn Phong - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: "Thời gian qua, báo chí có viết bài đưa tin về việc Hà Nội xây dựng Trung tâm văn hóa Hồ Gươm. Tuy nhiên, một số báo đã giật những cái tít nghe rất giật gân, chẳng hạn như: 'Hà Nội đang giấu dân để xây dựng công trình sát hồ Gươm', 'Hà Nội định xẻ thịt quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - ĐBQH nói gì?, 'Xây nhà sát hồ Gươm, phá quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục?'.

Về vấn đề này, Thành phố đã chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm có báo cáo cụ thể. Chúng tôi thay mặt cho Thành phố, xin khẳng định rằng, Hà Nội không có chủ chương và cũng không có ai chỉ đạo ‘giấu dân’ về việc xây dựng trung tâm này. Công trình phải được công khai minh bạch. Khi triển khai, các đơn vị liên quan phải đảm bảo tuân thủ tất cả những quy định của pháp luật!".

Hiện UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn chỉnh dự án, chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án xây dựng công trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm không nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích