Đắm say trong điệu chiêng sắc bùa

Mai Đỉnh| 17/02/2018 13:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi tiếng chiêng sắc bùa vang lên làm núi rừng như tỉnh giấc. Tiếng chiêng gọi mùa xuân đến. Tiếng chiêng giúp gắn kết tình yêu thương và tiếng chiêng cũng là hồn thiêng của dân tộc người Mường.

Đắm say trong điệu chiêng sắc bùa

Đánh chiêng sắc bùa - Một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường vào dịp Tết

Tiếng chiêng có từ thuở sơ khai của người Mường

Khi những cây mơ, cây mận rừng bung hoa trắng muốt, báo hiệu Tết đã đến, Xuân đã về. Khắp các bản Mường (Hòa Bình) ngân vang tiếng chiêng trong không khí rộn ràng chào đón năm mới. Đối với dân tộc Mường ở Hòa Bình, vào ngày Tết cổ truyền thì không bao giờ thiếu vắng tiếng chiêng.

Đánh chiêng sắc bùa (sắc pùa - tiếng Mường) của người Mường vùng Hòa Bình vào mỗi dịp lễ, Tết là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc. Cho đến nay, khi được lưu truyền nó không chỉ tạo nên một bản sắc rất riêng mà còn gắn liền và ăn sâu vào đời sống tinh thần của người Mường. Thầy mo Ểu (trú tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) cho biết:“Không ai biết chiêng sắc bùa có từ bao giờ. Chỉ biết rằng đánh chiêng sắc bùa của người Mường có từ rất lâu đời, trong áng sử thi đẻ đất, đẻ nước của người Mường đã có tiếng chiêng”.

Nhạc sĩ Huy Tâm (Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hòa Bình), người đã từng làm đạo diễn cho nhiều hoạt động văn hóa, các sự kiện lớn nhỏ tại tỉnh Hòa Bình cho hay: “Đánh chiêng sắc bùa, theo nghĩa đen là xách cồng hay xách chiêng. Thoát khỏi nghĩa đen, nó được người Mường hiểu là một lối “chơi chiêng” hay lối “đánh chiêng”. Hiểu theo cách khác, đánh chiêng sắc bùa là một nét văn hóa có một lối chơi tổng hợp. Nó thể hiện từ diễn xướng cho đến vũ đạo và kỹ thuật đánh chiêng.

Đánh chiêng sắc bùa thường diễn ra vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mường, hoặc những sự kiện quan trọng. Ý nghĩa của việc đánh chiêng sắc bùa thể hiện sự vui mừng, mở đầu cho một năm mới. Sự kiện này thường được tổ chức ở từng thôn bản hoặc tại mỗi nhà dân… Vì vậy, mỗi dịp đầu xuân, đánh chiêng sắc bùa kết hợp với những câu hát chúc tụng mang tính khích lệ, tươi vui, cầu chúc cho gia chủ năm mới ấm no, bình an và thịnh vượng không thể thiếu.

Lịch ăn Tết của người Mường khác với người Kinh, theo lịch Mường xưa được tính theo tuần trăng “ngày lui, tháng tới”. Có nghĩa là ngày 15 của người Kinh thì lịch người Mường là ngày 14. Tết của người Mường thường bắt đầu vào cuối tháng Chạp của năm cũ và kéo dài tới đầu tháng Giêng của năm mới. Theo phong tục của người Mường thì ngày mùng 1 Tết thường là ngày cúng tổ tiên.

Nhạc sĩ Huy Tâm chia sẻ:“Điều đặc biệt trong lối chơi chiêng sắc bùa tại cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình là đa số nghệ nhân là nữ giới, nó mang cái ý thức mẫu hệ từ xa xưa”. Những người phụ nữ đánh chiêng sắc bùa ăn mặc theo trang phục riêng của người Mường, áo pắn (áo ngắn), xẻ ngực, ống tay dài, áo màu trắng hoặc hồng, bên trong mặc áo yếm trắng. Đầu thường đội khăn vành trắng, váy kín màu đen.

Những người đánh chiêng sắc bùa thường tụ họp lại thành từng tốp từ 5 - 12 người, cơ bản nhất tạo thành một đội gồm 12 chiêng, chúng mang tính biểu tượng năm tháng (ứng với 12 tháng trong năm) và thường được gọi là “phường bùa”. Mỗi phường bùa có một người cao tuổi trong bản đứng đầu chỉ huy thường được gọi là “trùm phường”. Người này phải có khả năng am hiểu về các loại chiêng, thuộc nhiều các làn điệu dân ca.

Người Mường quan niệm cái chiêng cũng có hồn. Vì thế mỗi khi sử dụng chiêng, người Mường sẽ bắt đầu bằng tiếng chiêng gọi hồn, để cho hồn chiêng về chính thức hòa nhập với con người. Điều đó mang ý nghĩa tâm linh thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa đời sống họ với tiếng chiêng.

Đánh chiêng sắc bùa là tổng hợp của nhiều điệu, nhiều bài chiêng khá phong phú. Mỗi một vùng mường cụ thể trong từng lễ hội sẽ có nhiều bài khác nhau, như điệu đi đường (vừa đi vừa đánh), điệu đi vòng tròn (đenh quenh)…

Ngân vang tiếng chiêng chúc lộc đầu xuân

Phường bùa sẽ bắt đầu từ nhà cồng chiêng, nối đuôi nhau di chuyển lần lượt đến từng gia đình. Vị trí phường bùa tấu chiêng có thể ở dưới sân, cầu thang có thể ở trên nhà nếu gia chủ mời lên. Khi những âm thanh trong tiếng chiêng Mường vang lên trầm bổng thì những lời hát chúc Tết đầu năm, chúc gia chủ đón xuân mới trong niềm vui no ấm, sức khỏe cũng được cất lên:“Năm cũ qua năm mới đến/Chúng tôi trong đội chiêng của xóm, thôn bản/ Chúc ông bà ra năm mới phát tài khai lộc, bách niên giai lão/Chúc gia đình ăn ra làm lên, chúc lộc…”.

Lúc này người trên nhà sàn, người dưới cầu thang cùng hát đối đáp và chúc tụng nhau. Một không khí vui vẻ, hân hoan, nhịp đánh chiêng rộn ràng cùng nhịp bước chân của đoàn phường bùa. Nét mặt ai nấy đều rạng ngời. Khi ra về chủ nhà tặng quà cho nhóm đánh chiêng sắc bùa, đó có thể là những cặp bánh chưng, bình rượu cần…thể hiện tấm lòng mến khách.

Cứ thế tiếng âm vang của tiếng chiêng sắc bùa cùng những lời chúc Tết đầu năm lần lượt đến với từng ngôi nhà trong bản Mường. Âm thanh của chiêng“bồng bênh khẩm, bồng bênh bồng bênh khẩm…” vang lên trầm hùng như tiếng vang của núi rừng và chân thành hiền hòa như tấm lòng của người Mường vậy.

Đối với người Mường, đánh chiêng sắc bùa không đơn thuần là chơi nhạc cụ mà nó trở thành những giá trị không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ. Giá trị ấy nuôi dưỡng tinh thần và lòng tự hào dân tộc. Chiêng đối với người Mường được coi là vật thiêng, là di sản văn hóa quý giá của dân tộc Mường: “Mười chiêng rạng ngời phương đất/Một chiêng người khuất Mường ma/Chiêng dâng lên môi giọng mật/Chiêng dâng lên mắt lời hoa…”.

Tiếng chiêng sắc bùa vang rền, hòa quyện cùng tiếng hát mừng làm không khí những ngày đầu năm càng thêm sôi động. Những con ngõ nhỏ quanh co trong thôn bản như bừng tỉnh mỗi khi phường bùa đi qua.

Văn hóa đánh chiêng sắc bùa tại Hòa Bình ngày càng khởi sắc. Các xóm bản đã biết lưu giữ lại những chiêng cổ, thành lập nhiều đội văn nghệ chơi chiêng. Trong nhiều đội chiêng, có những nghệ nhân đánh chiêng sắc bùa tuổi đời còn rất trẻ. Họ là những người nối tiếp cái mạch của cha ông gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắm say trong điệu chiêng sắc bùa