Gần 90% hồ sơ về cái chết của tổng thống J.F. Kennedy đã được giải mật hồi tuần rồi nhưng đa số người Mỹ vẫn không tin Lee H. Oswald là sát thủ "sói đơn độc".
Hơn nửa thế kỷ qua, người dân Mỹ vẫn còn hoài nghi kết luận điều tra chính thức của chính quyền xung quanh cái chết của Tổng thống (TT) J.F. Kennedy. Sở Cảnh sát Dallas, FBI (Cục Điều tra Liên bang), CIA ( Cục Tình báo Trung ương), Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng đều thống nhất Lee Harvey Oswald là thủ phạm duy nhất.
Ủy ban Warren, Ủy ban Rockfeller, Hội đồng Pháp y Ramsey Clark, Ủy ban Điều tra đặc biệt về cái chết của TT J.F. Kennedy của Thượng và Hạ viện cũng có kết luận tương tự. Tóm lại, quan điểm của chính phủ Mỹ về vụ án này từ 1963 tới nay đều trước sau như một.
61% nói không
Việc giải mật gần 3.000 hồ sơ J.F. Kennedy hôm 26-10 vừa qua đã không thể đánh tan ngay hàng chục, hàng trăm thuyết âm mưu xung quanh vụ án được coi là bí ẩn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Một số hồ sơ hứa hẹn tiết lộ cái mới đã bị cắt xén, làm mờ khi công bố. Liệu có gì mới trong hơn 200 hồ sơ chưa được giải mật vì lý do an ninh quốc gia? FBI thông báo sẽ công bố số hồ sơ này trước thời hạn 6 tháng mà TT Donald Trump đưa ra. Đây là hành động tích cực bởi chính FBI và CIA trước đó khẩn thiết yêu cầu TT Trump trì hoãn việc công bố vì "lợi bất cập hại".
L.H. Oswald bị Jack Ruby bắn chết trước cửa Sở Cảnh sát Dallas. Theo thuyết âm mưu, Ruby là người của giới MafiaẢnh : Youtube
Trang tin FiveThirtyEight chuyên phân tích dữ liệu thăm dò dư luận quần chúng hôm 23-10 cho biết theo kết quả thăm dò dư luận trên mạng của MonkeySurvey, đa số người Mỹ tin rằng ngoài Oswald còn có ai đó tham gia vụ sát hại TT J.F. Kennedy.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 17 đến 20-10. Trong số 5.130 người được yêu cầu trả lời câu hỏi "bạn có tin Lee H.Oswald hành động một mình trong vụ ám sát TT J.F. Kennedy?" chỉ có 33% trả lời "có". Đa số (61%) trả lời "không". Tất cả đều tin rằng Lee Oswald không phải là thủ phạm duy nhất.
Trang tin FiveThirtyEight còn phát hiện 61% cử tri bầu cho ông Donald Trump và 59% cử tri bầu cho bà Hillary Clinton tin vào các thuyết âm mưu. Đi sâu hơn, trang tin còn thấy thành phần người Mỹ gốc Phi (76%), gốc Mỹ Latin (72%) nói "không" nhiều hơn người Mỹ da trắng (56%). Điều này không có gì khó hiểu bởi họ cho rằng chính quyền thường hay nói dối với cộng đồng người da đen. Vì vậy, những người Mỹ gốc Phi không tin chính quyền nói thật về cái chết của TT J.F. Kennedy cũng như nhiều chuyện quan trọng khác.
Tuy vậy, trang tin cũng tìm thấy một điểm tích cực. Đó là tỉ lệ nói "có" hiện nay cao hơn trước đây. Nói cách khác, số người tin tưởng chính phủ nói thật trong vụ án J.F. Kennedy có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây.
Những câu hỏi khó
Lý giải hiện tượng khủng hoảng lòng tin của người Mỹ về cái chết của TT John F. Kennedy, nhà báo Andrew Buncombe, thông tín viên báo The Independent (Anh) tại Mỹ, cho rằng còn quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải hợp tình hợp lý.
Ví dụ "Làm sao Lee H. Oswald có thể làm được điều đó một mình? Làm sao một gã gầy nhom di cư qua Liên Xô rồi trở về để làm chuyện đó sau khi nếm trải cuộc sống khó khăn? Làm sao một gã bị binh chủng Thủy quân Lục chiến tống cổ một cách lịch sự có thể bắn 3 phát súng trường trong vòng 8 giây?
Hay "Làm sao viên đạn thứ hai - được mệnh danh là viên đạn thần thánh - bắn trúng lưng, thoát ra đằng cổ (TT J.F. Kennedy) rồi ghim vào lưng và đâm thủng phổi một người thứ hai? Làm sao một kẻ vô tích sự có thể giết chết một người quyền lực nhất thế giới rồi ung dung bước lên xe buýt tẩu thoát?"
Trước hàng loạt câu hỏi cắc cớ kể trên, không có gì là khó hiểu nếu đa số người Mỹ tin rằng Lee H. Oswald - nhân viên kho sách Trường Trung học Texas - không thể "đơn thân độc mã" giết chết TT J.F. Kennedy.
Họ không tin vào chính phủ vì có hàng ngàn quyển sách đã trả lời giùm họ. Phim truyện và phim tư liệu cũng vào cuộc hết sức sôi nổi. Theo nhà báo Buncombe, có cả một ngành công nghiệp sản xuất thuyết âm mưu xung quanh cái chết của vị TT Mỹ thứ 35.
Sở dĩ một số thuyết âm mưu sống dai dẳng mấy chục năm qua vì bản thân TT J.F. Kennedy gây thù chuốc oán với nhiều giới. Đặc biệt là giới Mafia khi ông và em trai Robert Kennedy - với tư cách là người đứng đầu Bộ Tư pháp - tấn công không khoan nhượng thế lực ngầm này (Robert Kennedy cũng bị ám sát năm 1968).
Trong cuộc sống riêng tư, ông cũng không phải là người chồng mẫu mực. Những cuộc đàn đúm với giới nghệ sĩ là đầu đề các xì-căng-đan đình đám không có lợi cho uy tín ông. Về mặt chính trị, ông cũng có những quyết sách không quang minh chính đại như cho phép CIA dùng nhiều thủ đoạn ám sát Chủ tịch Fidel Castro hay lật đổ chính quyền Havana. Việc ông suýt gây chiến tranh hạt nhân với Liên Xô cũng là một đề tài của thuyết âm mưu. Tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn tới việc kẻ thù âm mưu giết ông.
Từ thuyết âm mưu đến phim
Jim Garrison - công tố viên thành phố New Orleans - là viên chức nhà nước đầu tiên tố cáo chính phủ che giấu sự thật về cái chết của TT J.F. Kennedy. Theo điều tra riêng của ông vào cuối năm 1966, chính các phần tử chống cộng cực đoan của CIA chủ mưu vụ ám sát chứ không phải Oswald.
Năm 1969, ông truy tố Clay Shaw, một doanh nhân ở New Orleans, về tội âm mưu ám sát TT J.F. Kennedy. Phiên tòa kéo dài 34 ngày nhưng sau khi thảo luận chưa đầy 1 giờ, hội đồng xét xử tuyên bị cáo trắng án.
Không chịu thua, ông cùng với đạo diễn nổi tiếng Oliver Stone thực hiện phim "J.F.K" cụ thể hóa thuyết âm mưu của ông. Trong phim, diễn viên gạo cội Kelvin Cosner đóng vai Garrison mô tả ông giống như Don Quixote kiên cường đấu tranh chống chính phủ, quân đội, Mafia và CIA để làm sáng tỏ ai là thủ phạm đích thực trong vụ án J.F. Kennedy. Bộ phim là một thành công về mặt doanh thu phòng vé, thu về 195 triệu USD.