Giấc mơ xa nhà giá thấp

Bảo Dân| 11/05/2019 08:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia bất động sản (BĐS) nhận xét rằng sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững đã khiến phân khúc căn hộ bình dân, giá rẻ, giá thấp, giá vừa túi tiền của người có thu nhập thấp đã không còn chiếm tỷ lệ lớn nhất trên thị trường BĐS.

Trong khi đó, nguồn cung phân khúc căn hộ trung cấp và căn hộ cao cấp đang vượt cầu.

Tỷ suất lợi nhuận thấp, thủ tục rườm rà, khó khăn khiến doanh nghiệp quay lưng với việc xây dựng nhà giá thấp, làm cho nguồn cung sản phẩm này ngày càng khan hiếm. Thực trạng này, nếu không được điều chỉnh bằng thể chế, chính sách rõ ràng hơn, nhà giá rẻ có thể biến mất…

Còn nhớ, quyết định của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng từng được coi là chiếc đũa thần, là phép lạ đã giúp hàng ngàn người thu nhập thấp có nhà ở, an cư tại các thành phố lớn. Thế nhưng, khi gói tín dụng này dừng triển khai, nhiều người đã hết hy vọng có nhà ở vì không đủ khả năng trả nợ theo lãi suất thương mại. Trong khi đó, thị trường bất động sản liên tục nóng sốt, đẩy mặt bằng giá nhà đất lên mốc đỉnh mới, khiến giấc mơ sở hữu nhà của người có thu nhập trung bình ngày càng trở nên xa vời.

Theo nghiên cứu của DKRA Việt Nam-một công ty dịch vụ BĐS, từ giữa năm 2017 đến nay, nguồn cung nhà ở phân khúc căn hộ hạng C (bình dân) đã giảm sụt mạnh và luôn bị áp đảo bởi căn hộ hạng A (cao cấp, giá bán từ 40 triệu trở lên/mét vuông và hạng B (trung cấp), giá từ 25 triệu đến 50 triệu /mét vuông. Thậm chí, đã có những thời điểm phân khúc này hoàn toàn cạn nguồn cung.

Theo các chuyên gia, hiện nay nhà ở xã hội giá thấp - căn hộ có diện tích dưới 70 mét vuông với giá 15 triệu đồng/mét vuông gần như bị biến mất trên các trang thông tin nhà đất.

Trong buổi tiếp xúc với doanh nghiệp BĐS của chính quyền TP. HCM mới đây, một doanh nghiệp chua chát nói rằng, nhà giá rẻ đang dần “tuyệt chủng” vì nguồn cung không tăng trong vài năm qua. Đã qua rồi cái thời hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đua nhau đầu tư vào nhà giá thấp nhờ gói tín dụng ưu đãi.

Các chuyên gia BĐS cũng chỉ ra những thủ tục làm nhà ở xã hội chỉ ưu đãi trên lý thuyết như được hưởng lãi suất thấp nhưng không vay được. Các ngân hàng thương mại lại không thể siết nhà thu hồi nợ vì vướng quy định sau 5 năm mới được bán.

Mới đây trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc, lực lượng công nhân kỹ thuật cao đã kiến nghị Chính phủ quan tâm lo nhà ở xã hội, hỗ trợ vay vốn tạo lập nhà ở... cho các công nhân kỹ thuật cao. Đây là những người đủ điều kiện và tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội nhưng không mua được. Cần tái khởi động các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ để tăng nguồn cung cho phân phúc BĐS này.

Muốn vậy, việc cần làm ngay là tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp làm nhà ở xã hội bằng chính sách ưu đãi phù hợp...  Đi đầu trong vị thế của đầu tàu, HĐND TP Hồ Chí Minh cần ban hành nghị quyết riêng về nhà ở xã hội, để căn cứ vào đó mà doanh nghiệp, chính quyền cùng triển khai để mang lại giấc mơ nhà ở cho người lao động và người có thu nhập thấp. Cách làm của TP. HCM sẽ là kinh nghiệm tốt cho các tỉnh, thành khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấc mơ xa nhà giá thấp