Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4, 1/5 năm nay, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tiếp (29/4 - 3/5). Các bến xe đã sẵn sàng kế hoạch phục vụ hành khách, dự kiến mức giá vé năm nay tăng không quá 40% so với ngày thường.
Năm nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) rơi vào thứ Bảy (29/4), tiếp đến là ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và ngày nghỉ Quốc tế Lao động (1/5).
Trong đó, ngày 2 và 3/5 nghỉ bù cho ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 30/4 rơi vào ngày nghỉ hàng tuần nên công chức, viên chức và người lao động được nghỉ lễ 5 ngày liên tiếp (29/4 - 3/5).
Do kỳ nghỉ dài ngày nên hầu hết người dân sẽ chọn đi du lịch, về quê, dự kiến lượng hành khách sẽ tăng mạnh.
Đại diện bến xe miền Tây (BXMT), quận Bình Tân, TP.HCM dự báo cao điểm Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5 năm nay rơi vào ngày 29/4, lượng hành khách xuất bến đạt 58.000 khách/ngày, với hơn 1.800 xe.
So với cùng kỳ năm 2022, lượng hành khách tăng hơn 144%, lượng xe tăng hơn 133%. Tổng số hành khách trong dịp lễ năm nay đạt hơn 233.000 khách, với hơn 9.800 xe.
BXMT cho biết, các đơn vị vận tải kê khai tăng giá vé (nếu có) phải gửi văn bản đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định của Thông tư Liên tịch của liên Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời gửi thông báo giá vé cho BXMT để niêm yết tại các quầy vé và bán vé cho hành khách.
Những năm qua, trong dịp lễ 30/4, 1/5, các tuyến đường khu vực miền Tây tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian tăng giá trong 2 ngày.
Dịp lễ năm nay, Bến xe miền Đông (BXMĐ), quận Bình Thạnh bắt đầu phục vụ hành khách từ chiều tối 28/4. Trong đó, cao điểm rơi vào ngày 29/4 với 560 chuyến, hơn 17.000 khách. So với năm 2022, số chuyến tăng 117%, số khách tăng 120%.
Tổng hành khách dự kiến của BXMĐ dịp lễ là hơn 52.000 khách, với 2.500 chuyến. So với cùng kỳ năm 2022, số hành khách tăng 120%, số chuyến tăng 114%.
Bến xe Miền Đông khuyến khích các đơn vị vận tải không thực hiện điều chỉnh tăng giá cước trong thời gian phục vụ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5.
Trường hợp đơn vị vận tải có kê khai điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo đủ chi phí khi quay đầu (không có khách chiều về) giải tỏa hành khách phải kê khai đúng quy định, thời gian điều chỉnh tối đa 3 ngày (28 - 30/4) và mức điều chỉnh tối đa như các năm trước.
Đối với các tuyến thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Yên, Bình Định có hành trình Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 và các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên, điều chỉnh tăng không quá 40% so với ngày thường.
Các tuyến thuộc khu vực Bình Dương, Bình Phước, điều chỉnh tăng không quá 20% so với ngày thường.
Các bến xe cũng sẵn sàng điều động phương tiện, sắp xếp chuyến xe; đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… để phục vụ người dân một cách tốt nhất trong dịp lễ.
Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng triển khai chương trình khuyến mãi “5.000 chỗ giảm giá 20%”, mỗi ngày khoảng 170 chỗ cho hành khách đi trên các đoàn tàu công ty quản lý từ ngày 1 - 26/4.
Thời gian bán vé áp dụng đến hết ngày 23/4 cho hành khách mua vé trước ngày tàu chạy từ 3 ngày trở lên với số toa, số chỗ cụ thể (khi hành khách mua vé vào những chỗ cố định này sẽ được giảm 20% giá vé). Áp dụng cho tất cả các loại chỗ trên tàu. Phí trả vé là 20% giá tiền in trên thẻ đi tàu, thời gian trả trước 4h trở lên.
Các đoàn tàu áp dụng: Tàu SE3/SE4, SE7/SE8 có cự ly vận chuyển từ 400km trở lên (ngày đầu tuần), từ 500km trở lên (ngày cuối tuần); tàu SE21/SE22 có cự ly vận chuyển từ 400km trở lên; tàu SNT1/SNT2 có cự ly vận chuyển từ 250km trở lên; tàu SPT1/SPT2 có cự ly vận chuyển từ 150km trở lên.
Ngoài ra, công ty vẫn áp dụng các chương trình giảm giá thường xuyên lên đến 30% như giảm giá xa ngày, giảm khứ hồi, giảm tập thể và cho các đối tượng chính sách xã hội, sinh viên, đoàn viên công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng.