Giá vàng giao ngay tăng 0,13% lên 1.715,20 USD/ounce theo Kitco. Trong khi đó, vàng giao tháng 8 lại giảm 0,35% xuống 1.721,40 USD, ghi nhận vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam) ngày 5/6.
Xu hướng về dài hạn vẫn là giá vàng tăng trong một thế giới có khoảng 6.000 tỷ USD tiền rẻ đã và sắp được bơm ra. Vàng tăng trở lại chủ yếu do lực cầu bắt đáy và một số thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh giảm sau nhiều phiên tăng.
Ảnh minh họa
Trong phiên liền trước, vàng đã giảm hơn 2% do giới đầu tư kỳ vọng kinh tế hồi phục nhanh hơn từ sau suy thoái vì đại dịch. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác vẫn đang theo dõi các diễn biến bất ổn chính trị ở Mỹ.
Trong khi đó, lượng vàng dự trữ tại quĩ ETF lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã tăng lên 1.133,37 tấn vào thứ Tư, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Kho dự trữ vàng tại quỹ giao dịch (ETF) tăng lên 623 tấn tương đương khoảng 34 tỷ USD tháng 1 đến tháng 5, vượt xa hơn mức dự kiến tới 5 tháng, theo Hội đồng vàng thế giới cho biết.
Trên Kitco, E.B. Tucker, giám đốc của Metalla Royalty cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trên đà tiếp tục nới lỏng định lượng, với lãi suất cuối cùng đã hướng đến mức âm. Giá vàng theo đó sẽ tăng mạnh và đang hướng tới việc phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại là 1.900 USD/ounce vào cuối năm nay.
Nhà phân tích tài chính Suki Cooper tại Charter Standard Chartered cho biết, sự biến động thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến vàng trong thời gian tới nếu các khoản thanh khoản được giao dịch trở lại. Ông cũng đưa ra dự báo vàng sẽ đạt ngưỡng trung bình 1.700 đô la Mỹ trong quý III.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 4/6 đa số các doanh nghiệp kinh doanh vàng giảm giá vàng 9999 khoảng 30-60 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 4/6, giá vàng SJC ở mức: 48,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,60 triệu đồng/lượng (bán ra). Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 5/6, giá vàng SJC niêm yết ở mức 48,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,70 triệu đồng/lượng (bán ra).