Giá vàng hôm nay điều chỉnh tăng vì lo ngại lạm phát làm giảm khẩu vị rủi ro và thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản an toàn.
Giá vàng thế giới
Trong phiên giao dịch sáng ngày 13/10, giá vàng giao ngay tăng 0,02% lên 1.760,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 0,07% lên 1.760,55 USD.
Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đe dọa tới triển vọng kinh tế và làm gia tăng lo ngại lạm phát, khiến một số nhà đầu tư hướng tới tài sản trú ẩn an toàn.
"Chúng tôi nhận thấy sự hỗ trợ xuất phát từ ý tưởng chung rằng áp lực lạm phát sẽ đủ để giúp vàng tăng giá trong bối cảnh mà chúng tôi thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang dần tiến tới thực hiện kế hoạch giảm mua tài sản", ông David Meger, Giám đốc phụ trách phòng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết.
Nhưng nhìn chung, đồng USD đang theo sát thị trường vàng và hạn chế đà tăng của nó, ông Meger nói thêm.
Đồng USD mạnh khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0,22% lên 94,53.
Vàng thường được coi là một hàng rào chống lại lạm phát. Tuy nhiên, việc giảm các biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương và tăng lãi suất có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên, theo đó làm tăng chi phí cơ hội của việc sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank nhận định lo ngại về rủi ro trên thị trường ngày càng gia tăng và vàng đang được hưởng lợi từ điều đó, cùng với lo ngại về lạm phát và sự hạ nhiệt của nền kinh tế toàn cầu.
Nếu các cuộc thảo luận về lạm phát kèm suy thoái ngày càng nhiều, vàng có thể đạt mức 1.900 USD vào cuối năm do lãi suất sẽ vẫn ở mức tương đối thấp ngay cả khi Fed bắt đầu giảm thu mua trái phiếu, ông Briesemann nói thêm.
Giá vàng cũng được hưởng lợi khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì rủi ro gia tăng dưới ảnh hưởng của sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, áp lực giá và các mối đe dọa từ biến thể Delta của virus corona, theo Kitco News.
Trong Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 hiện ở mức 5,9%, giảm so với ước tính 6% hồi tháng 7. Trong khi dự báo tăng trưởng cho năm 2022 không thay đổi ở 4,9%.
Dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ đã giảm từ 7% xuống 6% do hạn chế về nguồn cung. Ngoài ra, báo cáo cũng cảnh báo nếu nền kinh tế hàng đầu thế giới không thông qua gói cơ sở hạ tầng trị giá 4.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, cơ quan này sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống thấp hơn nữa.
Đối với Trung Quốc, IMF ước tính tăng trưởng trong năm nay chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 8%. Dự báo tăng trưởng cho Nhật Bản, Anh, Canada và Đức cũng bị hạ xuống. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho năm 2021 được nâng từ 4,6% lên 5%.
Trong khi đó, tâm điểm của thị trường là biên bản cuộc họp chính sách trong hai ngày 21 đến 22/9 của Fed và chỉ số giá tiêu dùng, cả hai đều sẽ được công bố ngày 13/10.
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước đang được các doanh nghiệp điều chỉnh như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 57,40 - 58,12 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 57,15 - 58,0 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra.
Tập đoàn PNJ niêm yết giá vàng SJC ở mức 57,35 - 58,05 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 57,45 - 57,80 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra.