Giá thực phẩm tăng tác động lên CPI trong thời gian giãn cách xã hội

Minh Khang| 29/08/2021 11:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

CPI tháng Tám tăng 0,25% so với tháng Bảy, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so cùng kỳ. Tuy nhiên, CPI tám tháng chỉ tăng 1,79% với cùng kỳ và đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (ngày 31/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch COVID-19 là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám nhích lên 0,25% so với tháng Bảy, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với cùng kỳ năm ngoái.”

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) chỉ ra một số nguyên nhân tác động đến chỉ số CPI trong tháng Tám và cho biết CPI tám tháng của năm chỉ tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, bên cạnh lạm phát cơ bản tám tháng của cả nước chỉ tăng 0,9%.

4/11 nhóm ngành tăng tăng giá

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra trong mức tăng CPI của tháng Tám so với tháng trước, khu vực thành thị tăng 0,34% và khu vực nông thôn tăng 0,14%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá, 4 nhóm giảm giá và 3 nhóm giữ giá ổn định.

Trong các nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất, với 0,74% và là nguyên nhân chính khiến CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Theo bà Oanh, việc tăng giá tại nhóm hàng này là do vận chuyển và phân phối hàng hóa cần thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 cùng với nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội đã khiến giá thành bị đội lên. 

Ngoài ra, trong tháng Tám, nhóm giáo dục cũng tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.

Ngược lại, nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do các hãng giảm giá ôtô mới và ôtô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0,09% và giảm 0,84%). Bên cạnh đó, nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,05%, bởi giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng trên thị trường điều tiết xuống 0,16% đồng thời giá các phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm theo 0,5%.

Chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tiếp tục giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%, du lịch trọn gói giảm 0,04%. Trong khi đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%, nguyên nhân nhu cầu tiêu dùng xuống thấp khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.

Mức thấp nhất trong 10 năm

Diễn biến giá tiêu dùng của một số nhóm hàng chính trên thị trường cho thấy chỉ số giá nhóm lương thực trong tháng tăng 0,69% so với tháng trước; trong đó chỉ số giá gạo tăng 0,44% do nhu cầu tiêu dùng, dự trữ gạo của người dân và chi phí vận chuyển gạo giữa các địa phương tăng trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, giá gạo tẻ thường dao động từ 11.600-12.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 17.600-19.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 17.900-19.500 đồng/kg; giá gạo nếp từ 24.700-34.500 đồng/kg.

Bà Oanh cho biết thêm việc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân hạn chế tối đa ra ngoài nên nhu cầu dự trữ, tiêu dùng thực phẩm tăng. Hơn nữa, nguồn cung bị hạn chế, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách nên các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong quá trình lưu thông. Chính những nguyên nhân này đã làm chỉ số giá nhóm thực phẩm đã tăng cao với 0,97% so với tháng trước. Cụ thể, giá thịt gia cầm tăng 0,66% so với tháng trước; trứng các loại tăng 10,28; thủy sản tươi sống tăng 2,24%...

Với các diễn biến trên, lạm phát cơ bản trong tháng Tám đã giảm 0,02% so với tháng Bảy và tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân tám tháng, lạm phát cơ bản nhích nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Bà Oanh nhấn mạnh mức tăng này thấp hơn mức CPI bình quân chung 1,79%. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng Tám và tám tháng so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường,” bà Oanh cho hay./.

Gia thuc pham tang tac dong len CPI trong thoi gian gian cach xa hoi hinh anh 1(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá thực phẩm tăng tác động lên CPI trong thời gian giãn cách xã hội