Thời gian qua, tuyến đường liên xã từ xã Ayun đi lên thị trấn Chư Sê (Chư Sê-Gia Lai) đã xuất hiện hàng chục, hàng trăm ổ voi kéo dài do các xe chở cát qua lại, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.
Trên mặt đường (bao gồm đoạn đường trải nhựa và đoạn bê tông), đã bị cày nát, khiến việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Thi thoảng một vài xe máy đang lưu thông trên đường bỗng ngã lăn ra vì vấp phải các đoạn sụt lún, ổ voi, ổ gà. Cùng với đó, liên tục các xe tải loại nặng chở cát với khối lượng lớn vượt thùng “nhảy múa” ngay trước mặt trụ sở UBND xã Ayun một cách khó hiểu.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hai mỏ cát được cấp phép hoạt động khai thác của Công ty TNHH MTV Trang Đức (trụ sở đóng tại Lê Hồng Phong-Pleiku) và Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (trụ sở đóng tại đường Trường Chinh-Pleiku). Khi được cấp phép, đại diện hai công ty và lãnh đạo UBND xã cùng với lãnh đạo UBND huyện đã họp bàn rồi thống nhất phương án nếu như đường hư hỏng thì công ty phải có trách nhiệm sửa chữa và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.
“Đích thân Chủ tịch huyện chủ trì cùng với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hai xã A Dun và Kông HTok và hai Giám đốc của 2 công ty làm việc. Sau khi thống nhất chia ra làm 2 đoạn: một đoạn từ ngã ba xã Kông HTok về tới trụ sở xã Ayun do công ty Quang Đức sửa chữa, đoạn còn lại từ UBND xã Ayun đến mỏ khai thác cát là công ty Trang Đức sửa chữa”, ông Thanh nói.
Điều dáng nói, hai mỏ cát mới được cấp phép lần lượt vào tháng 10 và tháng 11 của năm 2017, nhưng do lưu lượng xe trọng tải lớn qua lại quá nhiều dẫn đến tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng. Theo như lời của Chủ tịch UBND xã thì đường đã hư hỏng một lần và được sửa chữa, các cơ quan chức năng của huyện cũng đã xuống thẩm định. Tuy nhiên, mùa mưa mới đây đường lại tiếp tục hư hỏng và lan rộng đến nay đã được 2 tháng.
Thực tế cho thấy, đường vừa sửa trước mùa mưa, nhưng mới đầu mùa nắng một thời gian ngắn thì đã bị “cày xới như đất ruộng”, dẫn đến tình trạng, mưa thì dân bì bõm trong nước, sình lầy còn nắng thì bụi bặm hắt lên tứ phía. Trên mỗi đoạn đường ấy, vệt lún bánh xe xuất hiện ngày càng sâu và rộng là minh chứng cho sự gồng mình chịu đựng sau mỗi lần xe đi qua.
Được biết, tổng chiều dài mà hai công ty này cam kết trong trường hợp nếu hư hỏng sẽ sửa chữa lên đến khoảng 7km, vậy nhưng khi được hỏi về chiều dài hư hỏng hiện nay trên đoạn này bao nhiêu km, thì Chủ tịch xã lại cho biết: “Nói chung nó hư từng đoạn, giờ PV hỏi rất là khó, phải có các phòng ban chuyên môn đánh giá, giờ bảo tôi đi đo cũng khó...”.
Liên quan đến lưu lượng xe được đánh giá là “chở quá khổ” vị Chủ tịch này cho biết thêm: “Vấn đề này không thuộc thẩm quyền của UBND và công an xã. Về chức năng của xã và công an xã không thể xác định được chiếc xe đó quá khổ hay quá tải được, cái này thẩm quyền của huyện”.
Tính mạng của những người tham gia giao thông (nhất là những người tham gia giao thông bằng xe máy) đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi trên đoạn đường này có nhiều khúc cua của đường đèo ngoằn nghoèo, cộng thêm nhiều đoạn sụt lún, hư hỏng nặng. Vậy, trách nhiệm của các bên liên quan cũng như khắc phục tình trạng đường hư hỏng liệu có đảm bảo chất lượng, hay cứ với điệp khúc “sửa rồi hư, hư rồi sửa”?.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Một số hình ảnh xe chở cát “phá tan” con đường nhựa và bê tông mà PV ghi lại được:
Con đường dường như “bất lực” trước sự tì đè của các phương tiện chở cát đi qua.
Đường nhựa, bỗng nhiên biến thành đường đất ở những khúc cua nguy hiểm.
Vệt lún bánh xe xuất hiện ngày càng sâu và rộng sau mỗi lần xe quá tải đi qua
Đoạn đường ngay trước trường PTDT Bán trú tiểu học Lê Lợi.
Ngay sát UBND xã Ayun những vết sụt lún này cũng không buông tha.
Cát được chất “vượt thùng” tung hoành “nhảy múa” ngay trước mặt trụ sở UBND xã.