Gia Lai trở thành “điểm nóng” Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu tăng tốc truy vết

Thảo Nguyên| 02/02/2021 19:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

"Quan điểm trong phòng, chống dịch lần này là làm thật nhanh, thật mạnh và dứt khoát", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Gia Lai cần phải tăng tốc truy vết, tăng cường năng lực xét nghiệm, tại buổi họp trực tuyến chiều 2/2. 

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến với các điểm cầu của các địa phương có dịch Covid-19, ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, đến chiều 2/2, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 13 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số 6.500 mẫu xét nghiệm Covid-19 đã lấy. Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 4 huyện là: Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa và TP Pleiku.

Đặc biệt tại Gia Lai cũng mới ghi nhận 1 ca dương tính mới được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Hiện đã có một số cán bộ y tế có nguy cơ cao tại các khoa được đưa vào cách ly tại khu cách ly của bệnh viện; đồng thời phong toả, rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 có liên quan…

long2.jpg
Các tỉnh họp trực tuyến với đầu cầu Bộ Y tế.

Ngay từ khi có các ca bệnh đầu tiên, cả hệ thống chính trị và ngành y tế của tỉnh đã khẩn trương tiến hành truy vết các trường hợp F1,  lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định.

Tuy nhiên, hiện nay, Gia Lai đang gặp khó khăn trong năng lực xét nghiệm. Địa phương mới chỉ có khả năng xét nghiệm 200 mẫu/ngày; vì vậy, tỉnh đã huy động sự viện trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, nâng năng lực xét nghiệm lên 700 mẫu/ngày.

Theo ông Hải, dự kiến ngày mai sẽ lấy hết 1.500 mẫu người nhà, bệnh nhân tại bệnh viện (300 nhân viên y tế).

Báo cáo thêm Bộ trưởng, ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, đặc thù của Gia Lai là các trường hợp nhiễm Covid-19 đều không có triệu chứng lâm sàng, duy nhất có một trường hợp có biểu hiện tiêu hóa nên bị chẩn đoán nhầm.

Những trường hợp F0 khi xét nghiệm đều đã nằm trong khu cách ly. Khi xuất hiện dịch trong cộng đồng, đội truy vết của Gia Lai đã có hơn 200 người của ngành y  tế, bổ sung thêm 50 cán bộ tại khu vực đến hỗ trợ cho tỉnh phòng dịch.

"Với năng lực xét nghiệm của Gia Lai hiện còn hạn chế, chúng tôi đã tính phương án sẽ gửi mẫu tới các đơn vị hỗ trợ như: Viện Pasteur TP.HCM, Viện sốt rét Quy Nhơn… Hiện Gia Lai có đặc thù riêng nên việc lấy mẫu khá khó khăn vì 4 huyện có ca bệnh đều là người dân thuộc miền núi vùng sâu, vùng xa, cán bộ khó lấy mẫu hết và nhanh được… Tuy nhiên đến nay, cơ bản người dân đã dần có hiểu biết, chúng tôi hy vọng sẽ lấy mẫu được nhiều hơn", ông Chiến cho biết.

long1(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long họp trực tuyến với 10 tỉnh có dịch chiều 2/2.

Sau khi nghe báo cáo của Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc vận chuyển mẫu về TP.HCM và Nha Trang mất quá nhiều thời gian, trong khi tốc độ lây lan của dịch rất nhanh, nếu thế thì rất chậm trễ.

Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Long đã quyết định điều động một đội xét nghiệm từ Viện Pasteur TP.HCM mang thiết bị, máy móc lên thiết lập một labor hỗ trợ xét nghiệm tại chỗ cho Gia Lai.

Bộ trưởng Long chỉ đạo Viện Pasteur TP.HCM thực hiện ngay lập tức điều động nhân lực và phương tiện lên Gia Lai, đồng thời tỉnh phải chuẩn bị ngay cơ sở vật chất để lực lượng được điều động đến là tiến hành xét nghiệm ngay.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, việc truy vết F1 ở Gia Lai hết sức chậm, đề nghị tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ truy vết F1 và lấy toàn bộ mẫu F1, phải làm thật nhanh. Tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, bệnh nhân vào các khoa: Cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, khoa nội và tiêu hóa.

"Ở đây chưa có hiện tượng lây chéo trong bệnh nhân, nên ở khoa nào chỉ phong tỏa khoa ấy. Tất cả bác nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đề nghị cách ly, xét nghiệm ngay lập tức. Sau đó, tập trung làm sạch khoa và giải phóng ngay để tiếp nhận bệnh nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo, ngay ngày 3/2, Bộ Y tế sẽ cử đoàn công tác của Bộ vào trực tiếp chỉ đạo tình hình phòng chống dịch tại Gia Lai; đồng thời Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử chuyên gia vào để thành lập bệnh viện dã chiến, thành lập bệnh viện dã chiến ở 1 nơi tập trung tại trung tâm tỉnh, không làm ở huyện vì sẽ không có nhân lực. Bộ Y tế cũng sẽ cử đội truy vểt của Đà Nẵng lên hỗ trợ cho Gia Lai.

"Đối phó dịch lần này phải xác định làm càng nhanh, khoanh càng nhanh càng tốt. Các địa phương phải truy vết thật nhanh, tăng công suất xẻ nghiệm lên càng nhanh càng tốt", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai trở thành “điểm nóng” Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu tăng tốc truy vết