Báo Công lý nhận được phản ánh của một số người dân về tuyến đường từ xã Glar đi xã Trang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai dù mới được sửa chữa nhưng đã bị hư hỏng. Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã làm việc với Đội công trình Giao thông huyện Đak Đoa, là chủ đầu tư.
Sửa nhiều, đường vẫn hỏng
Tại buổi làm việc, ông Bùi Anh Khoa, Đội trưởng Đội CTGT cho biết: “Đoạn đường từ xã Glar đi xã Trang được thi công từ năm 2010 hay năm 2011 gì đó, tôi chỉ biết là như vậy vì từ khi tôi về nhận chức Đội trưởng ở đây thì đoạn đường này đã làm rồi. Cho đến năm 2015 và 2016 đã sửa chữa mỗi năm một đoạn, trong tổng chiều dài trên tuyến đường từ Glar đi xã Trang khoảng 11km”.
Ông Khoa cho biết thêm: “Tuyến đường này rất là phức tạp, vì chưa thi công xong thì nó cũng đã có dấu hiệu rồi. Cho đến năm 2015 thì hư hỏng nặng. Vì vậy, hàng năm UBND huyện cũng có bố trí kinh phí để sửa chữa gồm có vá ổ gà, láng nhựa mặt đường theo nguyên tắc là hư chỗ nào sửa chỗ đó…”.
Đoạn đường đã có những chỗ bị hư hỏng, dù mới được sửa chữa.
Theo tìm hiểu, trong hai năm 2015 và 2016, Đội Công trình giao thông đã sửa chữa với tổng diện tích 5.769m2, với tổng kinh phí 823 triệu đồng. Cụ thể: Năm 2015 sửa chữa tổng diện tích 2.800m2, tổng số tiền trên 400 triệu đồng và năm 2016 với tổng diện tích 2.969m2, tổng số tiền 423 triệu đồng.
Khi được một cán bộ của đội dẫn đi thực tế tại hiện trường, PV ghi nhận đoạn đường sửa năm 2015 đã bong tróc nhiều nơi, rải rác khắp mặt đường. Còn đoạn đường vừa mới được sửa vào đầu năm 2016 thì đã xuất hiện vài điểm bong tróc, hai bên mép đường chạy dọc đoạn đường mới được sửa chữa, lớp nhựa vá rời rạc không liên kết.
Như vậy, với số tiền không nhỏ bỏ ra để sửa chữa nhưng chỉ được khoảng một năm đã hư hỏng trở lại thì liệu công trình có đảm bảo chất lượng?.
Sắp tới, trong năm 2017 này, UBND huyện đang chuẩn bị bổ sung kinh phí cho Đội CTGT khoảng vài trăm triệu đồng để tiếp tục sửa chữa thêm. Từ thực tế đặt ra nghi ngại, liệu chất lượng thi công có được đảm bảo. Với cách “sửa trước hư sau” như vậy không khác nào “bắt cóc bỏ đĩa” gây lãng phí.
Lập hồ sơ phê duyệt có đúng luật?
Cũng trong buổi làm việc với ông Khoa, khi được ông cung cấp hồ sơ về các bước thực hiện, PV nhận thấy có “Biên bản kiểm tra hiện trạng công trình đường Glar đi xã Trang huyện Đak Đoa” được lập vào ngày 31/12/2015, với dấu hiệu không bình thường.
Trong biên bản này có một vấn đề đáng quan tâm là ngoài việc chủ đầu đầu tư là ông Bùi Anh Khoa - Đội trưởng có thành phần ký ra thì đại diện các bên tham gia khác như: Phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện, Phòng Tài chính kế hoạch huyện, UBND xã Trang đều để trống (không có người tham gia). Nhưng không hiểu với lý do gì mà bên dưới phần chữ ký lại có ba chữ ký gồm đại diện Đội CTGT- ông Bùi Anh Khoa ký tên và có dấu đỏ, đại diện Phòng KTHT- ông Nguyễn Xuân Giang ký và ghi tên, Phòng TCKH thì bỏ trống, đại diện UBND xã Trang- ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã ký tên và có dấu đỏ.
Biên bản không có thành phần tham dự nhưng lại có chữ ký
Trả lời thắc mắc của PV về sự “tréo ngoe” này, ông Khoa nói biên bản này lập sau khi các bên tham gia cùng đi kiểm tra hiện trạng về thống nhất với nhau, rồi cùng ký. PV hỏi rõ thêm biên bản căn cứ vào thành phần tham dự nào để ký thì ông đẩy trách nhiệm sang cho Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện cũng như yêu cầu PV có nghi ngờ gì về biên bản trên của Phòng KTHT thì có thể cầm biên bản vào Phòng KTHT huyện Đak Đoa để hỏi.
Khi PV cầm biên bản lên trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa, tại đây ông Lê Viết Phẩm- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Về mặt văn bản, biên bản này không đúng.
Một biên bản quan trọng để lập tờ trình lên UBND huyện xét duyệt kế hoạch cũng như kinh phí để sửa chữa, nhưng làm việc quá lỏng lẻo, cẩu thả. Liệu “Biên bản kiểm ta hiện trạng” này có đúng với thực tế và số liệu đoàn cung cấp có đúng với thực trạng?