Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, chăm sóc cháu giúp con. Con biết con sai rồi mẹ ơi ! Con xin lỗi” – Đó là lời của đối tượng Long khi được cán bộ Công an cho vài phút gọi điện thoại về nhà nói chuyện với mẹ.
Liên tiếp gây ra 9 vụ trộm bò
Những vụ trộm bò liên tiếp xảy ra khiến cho người chăn nuôi ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vô cùng lo lắng và hoang mang. Sau khi tiếp nhận thông tin 2 vụ trộm bò của chị Đỗ Thị Mỹ Lâm (trú thôn Cổ An 1, phường Điện Nam Đông) và ông Ngô Hoa (trú thôn Ngọc Tam, phường Điện An), Công an TX.Điện Bàn xác minh được biết thời gian qua, trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Nam Giang và huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cũng xảy ra những vụ mất trộm bò tương tự.
Những hộ dân bị mất trộm bò đều là gia đình khó khăn, nhiều người vay tiền để nuôi bò xóa đói giảm nghèo nên việc bò bị trộm đối với họ giống như mất cả gia tài.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an Điện Bàn quyết định mở Chuyên án 138B để đấu tranh, truy bắt kẻ trộm. Sau 4 ngày tập trung điều tra, lực lượng chức năng xác định được đối tượng khả nghi là Nguyễn Phước Long (1991, trú thôn Trung Yên, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Khi thu thập đầy đủ chứng cứ phạm tội, ngày 11/12, CQĐT Công an TX.Điện Bàn đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Long, thu giữ được 3 con bò và xe tải mang BKS 43C-079.55 là phương tiện dùng để trộm bò.
Đối tượng Nguyễn Phước Long
Tại cơ quan chức năng, bước đầu Long khai nhận thời gian qua đã trộm 9 con bò của người dân nhiều huyện như Đại Lộc, Nam Giang, Hòa Vang và TX Điện Bàn... và bán cho các lò mổ.
Từ lời khai của Long, Công an TX.Điện Bàn triệu tập làm việc 2 đối tượng liên quan là Lê Thị Xuân Vân (trú xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) là chủ xe tải mà Long dùng để thực hiện các vụ trộm bò và Nguyễn Thành Trung (trú xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) là lái xe tải.
Vợ bỏ đi, mẹ già nhọc nhằn nuôi cháu nội
Cơn mưa nặng hạt kèm theo những đợt gió lạnh của ngày cuối năm đổ xuống làng quê nghèo xã Trung Yên. Trên những cánh đồng, bà con vẫn đội mưa đi sạ. Mảnh đất nghèo này, bao đời nay người dân vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Chính vì nỗi cơ cực đó mà các thanh niên trưởng thành trong làng như Long đổ ra thành phố để tìm kế sinh nhai.
Ngày lên đường, Long mang theo khát vọng thoát nghèo. Chàng trai trẻ ra sức kiếm tiền giúp mẹ sửa chữa ngôi nhà nhỏ với những mái tôn đã mục nát, mưa xuống nước thấm ướt hết cả nền.
Khi bước chân vào TP. Đà Nẵng, Long được một người chủ nhận vào làm trong một quán Karaoke. Thời gian sau, chàng trai trẻ quen và yêu cô sinh viên cùng tuổi Nguyễn Thị D. người Quảng Trị. Năm 2013, cả hai nên nghĩa vợ chồng rồi thuê nhà trọ sống tại Đà Nẵng.
Ngày D. đặt chân về nhà của bà Lê Thị Cẩm (SN 1954, mẹ Long) để chuẩn bị sinh con đầu lòng, nhận thấy cuộc sống nhà chồng quá cơ cực, người vợ đã có ý định bỏ đi.
Khi con gái của đôi vợ chồng trẻ vừa chào đời được 3 tháng, D. nói mẹ chồng trông hộ con để đi chợ mua ít đồ. Mãi đến hơn 11h chưa thấy về, bà Cẩm liên tục điện thoại cho con dâu nhưng mãi không được hồi âm. Lúc đó Long đang làm keo trong rừng, nhận được điện thoại của mẹ, Long cũng cuống cuồng gọi cho vợ nhưng điện thoại chỉ báo không liên lạc được. Dù nhiều ngày sau đó Long cố gắng đi tìm nhưng đều vô vọng.
Những chuỗi ngày sau đó, Long dường như gục ngã. Buồn chán vì vợ bỏ đi không lời từ biệt, Long bỏ công việc làm keo ở quê rồi gửi con cho bà Cẩm ra TP. Đà Nẵng tìm việc làm.
Cũng kể từ đó, tin tức về Long dần ít đi, lâu lâu Long mới về thăm mẹ, thăm con được một chút rồi vội vã ra đi. Mãi cho đến ngày 11/12, bà Cẩm đang ru cho cháu nội ngủ thì có người đến báo tin, con trai bà bị Công an bắt.
Bà Cẩm không cầm được nước mắt khi nhắc đến người con trai
Sáng ngày 18/12, chúng tôi tìm về thôn Trung Yên. Bước chân vào ngôi nhà nhỏ lụp xụp, bức tường đã rêu phong cũ kỹ, chúng tôi chú ý đến một bé gái đang ngủ trên chiếc giường xếp đặt ở góc nhà. Thấy chúng tôi nhìn say sưa cháu bé, bà Cẩm buồn rầu nói: “Đó là con gái của Long, cháu mới hơn 1 tuổi”.
Chồng bà Cẩm bị bệnh, tuy không phải bệnh nan ý nhưng không có tiền chạy chữa nên đã mất cách đây 8 năm. Được em chồng cho mảnh đất, bà vay ngân hàng được 8 triệu đồng, cộng thêm được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng bà xây được căn nhà nhỏ. Thế nhưng đã hơn 7 năm nay, bà vẫn chưa có tiền làm cửa thì nhà đã xuống cấp.
Từ ngày chồng mất, bà Cẩm ra Đà Nẵng buôn bán vé số, đến khi D. bỏ đi bà trở về quê để chăm nom cháu nội. Nhìn cháu gái đang ngủ, nước mắt bà lại chảy dài. “Đến bây giờ tôi vẫn không tin là Long làm chuyện phạm pháp. Tôi nghĩ nó mong muốn nhanh có tiền để nuôi con, nuôi mẹ, sửa sang nhà cửa nên mới nghe người ta làm chuyện dại dột như vậy” – bà Cẩm nghẹn ngào nói.
Hôm 15/12, Long được các cán bộ Công an Điện Bàn cho gọi về nói chuyện với bà. Thế nhưng, khi nghe được giọng con trai bà chỉ khóc nghẹn không nói được thành lời...