Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng thời trước đại dịch và đạt được tăng trưởng kinh tế GDP mục tiêu 6-6,5%.
Đó là nhận định của ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư thuộc WB tại Việt Nam khi nhắc tới tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.
Ông Morisset cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Có thể dự báo, Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, nhưng với điều kiện Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng nào nữa vì đại dịch COVID-19. Đó là điều kiện đầu tiên.
Đồng thời, Chính phủ sẽ triển khai kích cầu nền kinh tế thông qua những chính sách về chi ngân sách và chính sách thuế. Nếu thực hiện được các nội dung này, Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như trước đây, thậm chí còn có thể mạnh mẽ hơn nữa, bởi vì Việt Nam có thể bắt kịp thời điểm để quay lại tốc độ tăng trưởng như thời kỳ trước đại dịch.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng, chính là tổng cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021, và đầu năm 2022 sẽ là một xung lực hỗ trợ kinh tế hồi phục.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng nội địa chiếm tới 70% - 80% trong cơ cấu GDP. Vì vậy, nếu các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho kinh tế mở cửa trở lại, không ngăn sông, cấm chợ sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng.
Trong khi đó, PGS. TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ngoài việc thúc đẩy thị trường nội địa, Chính phủ nên có thêm một số gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư công.
Điều quan trọng nhất, PGS. TS Lê Xuân Bá nhấn mạnh đó chính là phải đẩy mạnh chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số. Trong đó, kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có.
Đơn cử như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới.
Ở góc độ doanh nghiệp, thực tiễn chứng minh, doanh nghiệp nào chuyển đổi số tốt, đổi mới sáng tạo nhanh, đã thích ứng và phát triển tốt 2 năm qua. Đồng thời, cần chú trọng tái cấu trúc (thậm chí thay đổi cả chiến lược kinh doanh), tận dụng cơ hội để triển khai lĩnh vực mới có hiệu quả. Doanh nghiệp còn cần chú trọng gia tăng sức đề kháng, sức chống chịu với các cú sốc bằng việc gia cố, đầu tư năng lực phân tích, dự báo và quản trị rủi ro...