Tròn một năm trước, vào ngày 7/10, nhóm Hamas đã thực hiện một loạt cuộc tấn công chết người vào các thị trấn và địa điểm quân sự của Israel gần Dải Gaza, dẫn tới cuộc chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo lớn nhất từ trước tới giờ tại vùng đất này.
Tròn một năm trước, vào ngày 7/10, nhóm Hamas đã thực hiện một loạt cuộc tấn công chết người vào các thị trấn và địa điểm quân sự của Israel gần Dải Gaza, dẫn tới cuộc chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo lớn nhất từ trước tới giờ tại vùng đất này.
NHỮNG GIỜ PHÚT RUNG CHUYỂN ISRAEL
Vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, Hamas - nhóm chiến binh Palestine cai quản Dải Gaza - đã thực hiện một cuộc tấn công phối hợp và bất ngờ vào Israel. Cuộc tấn công bao gồm việc phóng hàng nghìn quả tên lửa vào các mục tiêu ở miền Trung và miền Nam Israel và phá vỡ hàng rào biên giới giữa Israel và Gaza.
Các cuộc tấn công đã giết chết gần 1.200 người, bao gồm hàng trăm người tại một lễ hội âm nhạc diễn ra ở Re'im gần biên giới Israel-Gaza. Hamas cũng bắt khoảng 250 con tin mang theo khi họ quay trở lại Gaza.
Nhiều người, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã gọi ngày 7 tháng 10 năm 2023 là "ngày chết chóc nhất đối với người Do Thái kể từ cuộc diệt chủng Holocaust".
Các cuộc tấn công đã gây ra phản ứng quân sự từ Israel, bao gồm các cuộc không kích liên tục suốt một năm qua, một cuộc tấn công trên bộ và một cuộc bao vây Gaza.
NHỮNG DẤU HIỆU BỊ BỎ QUA
Trước đó, đã có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Hamas đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quy mô lớn: các động thái đáng ngờ dọc biên giới với Gaza, cũng như một cuộc diễu hành quân sự lớn diễn ra bên trong vùng đất này. Nhưng các cấp cao nhất của quân đội và nhà nước Israel đã đánh giá thấp những mối đe dọa từ Hamas.
Ngày 4 tháng 10 năm 2023, nhóm vũ trang Palestine Islamic Jihad đã tổ chức một cuộc diễu hành quân sự lớn ở Gaza. Họ tự hào trưng bày các loại vũ khí mới của mình: máy bay không người lái và tên lửa tầm xa có khả năng "vươn tới trái tim của Israel".
Một số phụ nữ được cho phép tham dự cuộc diễu hành đã hô vang những khẩu hiệu cổ vũ các chiến binh Hamas - những người đã lên kế hoạch trong nhiều tháng cho cuộc tấn công vào Israel và thực hiện nó chỉ 3 ngày sau đó, đúng ngày lễ Shabbat (ngày yên nghỉ của người Do Thái).
Vào ngày 7 tháng 10, các chiến binh Hamas, đồng minh Jihad Hồi giáo và hàng trăm thường dân, một số người trong số họ có vũ trang, đã vượt qua hàng rào an ninh bao quanh Gaza tại nhiều điểm khác nhau mà không gặp khó khăn.
Dany Tirza, một cựu đại tá quân đội Israel và hiện là cố vấn an ninh, cho biết, hàng rào này không được trang bị để chống lại một cuộc xâm lược như vậy.
Nó có thể cản đường “các nhóm Hamas như chúng ta đã từng làm trong quá khứ (…) nhưng không phải là một đội quân., không phải hàng trăm, hàng nghìn người”, ông nói. Vấn đề là Israel đã chủ quan.
NGƯỜI DÂN PALESTINE GỤC NGÃ
Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel một năm trước, không còn gì nguyên vẹn đối với người dân sống ở Dải Gaza.
Trước đó, Israel và Ai Cập đã kiểm soát chặt chẽ biên giới của vùng đất này. Nhưng vào sáng sớm ngày 7 tháng 10 năm 2023, các chiến binh do Hamas cầm đầu đã phóng một loạt tên lửa và phá vỡ hàng rào biên giới, tàn phá các cộng đồng và căn cứ quân sự ở miền Nam Israel.
Theo Bộ Y tế Gaza, không phân biệt giữa dân thường và chiến binh, hơn 41.400 người đã thiệt mạng tại vùng đất này trong năm ngoái và ước tính 1,9 triệu người Palestine phải di dời. 96.000 người khác bị thương và ít nhất 10.000 người được báo cáo là mất tích.
Ngay lập tức trong ngày, quân đội Israel đã trả đũa, thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội vào toàn bộ vùng đất Palestine.
Gaza vốn quen thuộc với xung đột bởi Israel và Hamas đã có bốn cuộc chiến trước đó, kể từ năm 2007, khi Hamas giành quyền lực từ chính quyền Palestine. Tuy nhiên, nhiều người không ngờ rằng cuộc chiến này lại kéo dài và tàn khốc đến vậy.
Theo Bộ Y tế Gaza, hơn 41.400 người bao gồm cả dân thường và chiến binh đã thiệt mạng tại vùng đất này trong một năm qua và ước tính 1,9 triệu người Palestine phải di dời. 96.000 người khác bị thương và ít nhất 10.000 người được báo cáo là mất tích.
Cuộc chiến dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất từng thấy ở vùng đất này. Đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và điện, cùng với thiếu thuốc men và viện trợ, dân thường là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc chiến.
Một năm xung đột đã khiến người dân Palestine gục ngã.
Thực hiện: HÀ MAI