Chỉ vì nhất thời không kiềm chế được nỗi tức giận khi bị quay phim trong lúc đang nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, Trịnh Ngọc Thu (SN 1982, trú tại xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã ra tay đánh ông Phạm Kim Bá, khiến nạn nhân tử vong.
Một phút nóng giận, hối hận cả đời
Theo hồ sơ vụ án, vào chiều ngày 19/9/2014, Thu đang nghỉ mát với anh em công nhân tại Công ty liên doanh đá Quảng Ngãi có trụ sở tại thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh thì thấy ông Phạm Kim Bá, là Phó quản đốc của xưởng, lấy điện thoại ra quay phim. Thu tưởng ông Bá quay phim để trình báo với lãnh đạo, nên yêu cầu ông Bá tắt máy quay đi. Nhưng ông Bá không làm theo mà tiếp tục chĩa máy quay về phía Thu, bực mình Thu xông đến đánh vào mặt ông Bá, khiến nạn nhân không kịp trở tay chống đỡ, đầu đập xuống đất.
Bị cáo Trịnh Ngọc Thu tại phiên tòa
Mặc dù được gia đình tận tình cứu chữa, nhưng đến ngày 26/9/2014 ông Bá chết vì chấn thương sọ não. Tại phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 23/9/2015 do TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử mới đây, bị cáo Thu tỏ ra sám hối trước tội lỗi mà mình gây ra cho nạn nhân. Bản thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt. Trước đó cũng chưa hề có mâu thuẫn gì với ông Thu, nhưng chỉ vì một phút nóng giận tức thời gây ra cái chết thương tâm. Tại phiên tòa hình sự phúc thẩm, nhiều lần bà Hương - là vợ của ông Bá, yêu cầu Hội đồng xét xử phải xử thật nghiêm khắc. Phía cuối hàng ghế, tiếng bàn tán xôn xao, và cả những lời lẽ đầy chua chát hướng về phía bị cáo của người nhà nạn nhân, khiến chủ tọa phiên tòa phải nhiều lần nhắc nhở để ổn định trật tự.
Không dám đến xin lỗi người nhà nạn nhân
Đứng khép nép trước vành móng ngựa, vẻ mặt Thu bồn chồn, trĩu nặng âu lo khi nhiều lần vị Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo: “Sau khi xảy ra sự việc, bị cáo có đến thăm hỏi, động viên gia đình của nạn nhân hay không?”. Đáp lại, giọng Thu yếu ớt, ngập ngừng: “Bị cáo nhiều lần cũng muốn tới, nhưng người thân trong gia đình ông Bá đe dọa, nên bị cáo phải nhờ mẹ và vợ bị cáo đến xin lỗi”. Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiêm giọng: “Cùng là người làm chung một chỗ, lý ra phải đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, có gì xích mích thì cùng nhau tháo gỡ, hòa giải. Vậy mà, chỉ vì một va chạm nhỏ, mà bị cáo đã ra tay đánh người, vậy thì còn gì là tình người. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội tuy nhiên bị hại cũng có một phần lỗi nhưng nếu bị cáo thử đặt mình vào vị trí của người thân gia đình người bị hại, bị cáo sẽ thấy nỗi đau mất mát này là quá lớn, vì nạn nhân là người chồng, trụ cột, chỗ dựa cho cả gia đình. Bị cáo có bù đắp lại mất mát đó được không?
Chủ tọa phiên tòa nói tiếp: “Sau khi nạn nhân chết, sự việc khi đã bớt căng thẳng, bị cáo cũng không tìm cách đến nhận lỗi. Bị cáo gây ra tội, thì tự bản thân mình phải chịu trách nhiệm. Có như vậy, gia đình họ mới hiểu được tấm lòng thành, ăn năn hối cải của bị cáo, thì ngày hôm nay họ có phải đứng đây yêu cầu tăng hình phạt cho bị cáo không? Đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại. Bị cáo hiểu chứ!”.
Trong giây phút cuối cùng của phiên tòa xét xử, Thu mới cúi đầu xin lỗi gia đình người bị hại. Mức án 2 năm 9 tháng tù mà TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên phạt dành cho Thu về tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với bị cáo. Kết thúc phiên tòa, vị Chủ tọa phiên tòa chia sẻ với giọng trầm buồn: Cuộc đời không như một cuộn phim, để ta tua đi tua lại nhiều lần, hãy sống như ngày cuối cùng mình được sống, hãy chiêm nghiệm, khám phá cuộc sống đầy màu sắc xung quanh mình, để một ngày nào đó khi đột ngột nằm xuống bạn không phải nói hai từ “giá như”. Hãy sống có trách nhiệm với bản thân, có lỗi thì nhận lỗi, sai sửa sai. Sẽ không có gì là quá muộn màng đối với bị cáo cả, nếu như bị cáo muốn làm lại từ đầu, bù đắp cho những mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân, cho gia đình con cái của bị cáo và cả xã hội nữa…