Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỳ tích hào hùng làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc thì vẫn còn mãi, trong đó có một phần lớn là nhờ sự cống hiến, hy sinh tuổi trẻ, xương máu của những người con đất Việt…
Hy sinh tuổi trẻ nơi chiến trường
Chàng thanh niên Trần Quang Kinh (SN 1947) trú xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường chiến đấu vào ngày 28/2/1964. Với sức trẻ, anh được cơ cấu vào đơn vị C5, đơn vị chủ công của Trung đoàn 24, Quân khu 4 là đơn vị pháo cao xạ 57 li có trang bị khí tài hiện đại bậc nhất thời bấy giờ do Liên Xô sản xuất.
Sau khi huấn luyện tại Đồi Si (Đô Lương), Dốc Nước (Nghĩa Đàn) thuộc tỉnh Nghệ An, đạt nhiều thành tích xuất sắc với môn xạ kích bộ binh bắn trúng 3 vòng 10 anh được thưởng 6 ngày phép. Về quê, anh lập tức tổ chức đám cưới đơn sơ với cô Bí thư đoàn xã đẹp người, đẹp nết Nguyễn Thị Lô (SN 1949).
Sau ngày cưới, về lại đơn vị, toàn Đại đội được điều đến vùng rừng núi Quỳnh Lưu (Nghệ An) “săn” máy bay C47, rồi chuyển về bảo vệ ga Vinh. Khẩu đội pháo của anh vinh dự là khẩu đội bắn rơi chiếc máy bay thứ 300, do đó anh cùng một số đồng đội khác được kết nạp Đảng, anh trở thành Khẩu đội trưởng Khẩu đội 5, trẻ nhất thời điểm này.
Đôi bạn chiến đấu vào sinh ra tử năm xưa (ông Kinh bên phải, ông Nghĩa bên trái)
Tháng 2/1966, đơn vị được giao nhiệm vụ đặc biệt, di chuyển theo đường 15 vào Hà Tĩnh vượt biên chi viện cho nước bạn Lào. Lúc này, địch phát hiện ra điểm trọng yếu về giao thông nằm ở địa bàn Quảng Bình. Nơi đây có các tuyến phà huyết mạch như: Phà Danh, Xuân Sơn, Quán Hầu và đặc biệt là eo huyệt lộ 15 (thuộc địa bàn huyện Minh Hóa, Quảng Bình), một khi tuyến huyệt lộ này bị phá nát thì giao thông Bắc - Nam sẽ bị cắt đứt.
Vì vậy, Khẩu đội 5 của anh Kinh được lệnh bí mật di chuyển đến phục kích nhằm bảo vệ tuyến yết hầu trọng yếu trên. Một tối tháng 2/1966, toàn Đại đội triển khai nhiệm vụ, lợi dụng sự che chắn của các vách núi, họ tạo một trận địa cho 5 khẩu đội pháo bố trí thành vòng tròn, ở giữa là chỉ huy.
Sáng hôm sau, trên bầu trời xuất hiện 9 chiếc máy bay từ hướng Đông ào ạt kéo đến định thả bom xuống tuyến yết hầu thì pháo ta đồng loạt nã đạn. Một chiếc “thần sấm con ma” bốc cháy, sáng rực rơi xuống nổ tung khiến toàn bộ máy ra - đa cùng các khí tài hiện đại khác của ta bị hư hỏng, không thể điều khiển, tất cả phải hoạt động thủ công và trông chờ vào đôi mắt tinh tường của người Khẩu đội trưởng.
Bị đạn nã xối xả, chúng bỏ con đường 15, chia thành 4 tốp chuyển mục tiêu đồng loạt nhả bom. Khẩu đội 5 vẫn kiên cường bám pháo, nhằm thẳng máy bay mà bắn khiến chúng không dám ở tầm thấp. Bất ngờ, một quả bom trút xuống khoan thủng bờ công sự, chui tuột vào bệ pháo của Khẩu đội 5 nổ tung, khẩu pháo nặng 4,6 tấn cùng 5 pháo thủ bị bốc lên trời rồi rơi xuống cách công sự khoảng 6m.
Khẩu đội trưởng Trần Quang Kinh bị đất vùi trong tư thế thẳng đứng tay vẫn cầm lá cờ đuôi nheo phất cao. Sau khi pháo bị hất ra khỏi công sự, nhìn thấy lá cờ vẫn phất trên tay chỉ huy, các pháo thủ Khẩu đội 5 tiếp tục nhả đạn cho đến khi chiếc máy bay thứ 2 bốc cháy, khiến chúng đồng loạt tháo chạy. Lúc này, các pháo thủ mới gục xuống, ngất lịm, riêng đồng chí Nguyễn Xuân Tư pháo thủ số 3 gãy hai đùi, máu ra nhiều nên đã anh dũng hy sinh.
Các pháo thủ Hồ Công Hưng, xã An Hoà (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Hồ Sỹ Cung, Chu Văn Tư, xã Hoa Thành (Yên Thành, Nghệ An), Bùi Công Trình, thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Văn Búp (Nam Đàn, Nghệ An) đều bị sức ép của bom.
Quan sát thấy tại vị trí đồng chí Kinh lá cờ vẫn phất, Tiểu đội trưởng Nguyễn Đăng Nghĩa (Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cùng các y tá vội lao đến, moi đất, kéo anh Kinh lên trong tư thế tay dơ thẳng nắm chắc cờ, mặt vẫn ngửng lên trời.
Sau khi được chuyển ra Bắc điều trị, phục hồi, đồng chí Kinh lại xin trở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu. Năm 1966, đồng chí Kinh là một trong 4 người được phong Chuẩn úy trẻ nhất thời điểm đó.
Ngay sau trận đánh, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lĩnh, Đảng ủy, thủ trưởng Sư đoàn lập tức cấp danh hiệu khẩu đội bay cho khẩu đội của Trần Quang Kinh, đồng thời anh cũng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì và một Huy hiệu của người.
Từ đó cho đến hết năm 1969, anh Kinh cùng đại đội pháo di chuyển đi khắp nơi, tham gia nhiều trận đánh ác liệt, 5 lần bị thương nặng. Tháng 5/1969, anh bị thương lần thứ 6 buộc phải chuyển ra Bắc. Trong thời gian chiến đấu, anh được Trung đoàn 214 tặng 5 bằng khen, một Huân chương chiến công Bác Hồ ký, một Huân chương chiến công Bác Tôn ký, một Huân chương chiến sỹ vẻ vang và một Huân chương chống Mỹ cứu nước, được phong chức Trung đội trưởng.
Sau khi điều dưỡng ở Đoàn 600 của tỉnh đội Nghệ An, năm 1970, anh về Đoàn thương binh 200 ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Do sức yếu không thể vào được chiến trường, anh tình nguyện về làm cán bộ chính sách cho Trung đoàn, cán bộ quân sự rồi trở về quê hương.
Sống đời giản dị
Về lại quê nhà, vết thương tái phát, nhiều mảnh bom còn găm trong người khi trái gió trở trời, vẫn đau nhức, anh được người vợ tận tình chăm sóc với suy nghĩ, mình trở về là quý hơn các đồng đội đã hy sinh nên anh không hề đi giám định tỷ lệ thương tật để lấy chế độ.
Cho mãi tới khi ông Nguyễn Đăng Nghĩa, người Tiểu đội trưởng đã từng kề vai sát cánh chiến đấu với ông năm xưa, sau khi trở về địa phương đã ra sức thúc giục, ông mới chịu đi khám và nhận chế độ thương binh 4/4 (bậc thấp nhất trong các chế độ thương binh).
Lại nói về người vợ của ông Kinh - bà Nguyễn Thị Lô, sau khi chồng ra đi, bà phấn đấu từ một Phó Bí thư đoàn xã trở thành Chủ nhiệm HTX Hồng Long, là Hợp tác xã nổi tiếng có năng suất lúa đạt bậc nhất trên toàn miền Bắc thời bấy giờ.
Bà Lô cùng bức ảnh kỷ niệm gặp Bác Hồ
Năm 1968, bà là một trong bốn đại biểu nữ của tỉnh Nghệ An được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, trực tiếp báo công với Bác. Ông bà sinh được 6 người con, đều học hành thành đạt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Nghĩa, người Tiểu đội trưởng năm xưa, sau khi chiến đấu trở về đã không cho phép mình nghỉ ngơi mà tiếp tục tham gia hoạt động cống hiến cho đất nước, khi kinh qua các chức vụ Công an xã, 3 khóa liên tiếp làm Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ: “Suốt cuộc đời chiến đấu, hình ảnh trận chiến hôm đó chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Đặc biệt dáng người đứng thẳng, phất cao lá cờ, trụ vững trong mưa bom, lửa đạn dù thương tích đầy mình của anh Trần Quang Kinh là một trong những biểu tượng kiên cường, bất khuất của anh Bộ đội cụ Hồ quyết tâm bảo vệ đất nước. Vợ chồng họ đã có những cống hiến hết sức lớn lao cho Tổ quốc, cho xã hội nhưng âm thầm chịu đựng những vết đau, anh không một lần đòi hỏi, chị không một lời than trách”.
Họ “chung lưng đấu cật”, đồng cam cộng khổ động viên nhau vượt qua nỗi đau thể xác, góp sức xây dựng quê hương, nuôi dạy các cháu nên người. Đó là những tấm gương vượt khó, vượt khổ xứng đáng cho các thế hệ học tập.