Dù chạy thận suốt nhiều năm qua, nhưng các bệnh nhân vẫn chưa hết bàng hoàng sau những gì vừa xảy ra.
Ông Lê Văn Tiến (50 tuổi), một trong 10 bệnh nhân được chuyển xuống bệnh viện Bạch Mai để điều trị, hiện sức khỏe đã ổn định.
Ông Tiến cho biết đã chạy thận được 7 năm nhưng đây là lần đầu chứng kiến vụ việc đáng sợ như vậy. Ông kể, do phải rửa cục lọc nên chạy thận sau ngững người điều trị cùng khoảng 30 phút. Khoảng 20 phút sau khi chạy thận thì xảy ra sự việc. Nhưng do ông mới chạy nên chỉ hơi choáng váng.
Sau khi tạm dừng hoạt động chạy thận và có người tử vong, trong đêm 29/5, ông Tiến được chuyển đến Hà Nội cùng 9 bệnh nhân khác tiếp tục chạy thận, đảm bảo đúng chu kỳ.
Bệnh nhân chạy thận thoát chết sau sự cố xảy ra tại BVĐK Hòa Bình
Nhớ lại giây phút xảy ra sự cố, bệnh nhân Bùi Thị Vân (54 tuổi, ở Lạc Sơn, Hòa Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng, dù thời điểm hiện tại bà đã tỉnh táo và có thể nói chuyện được. Bà Vân kể: “Lúc đó mới chạy thận được khoảng 45 phút, tôi bắt đầu cảm thấy ngứa tai, sau đó là ngứa lưỡi, cổ họng rồi lan ra toàn thân. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì tôi nôn thốc, nôn tháo, sau đó tôi rơi vào hôn mê bất tỉnh”.
Sau khi được các bác sĩ cấp cứu, bà Vân tỉnh lại thì mới biết không chỉ một mình mình bị tai biến, mà những người chạy cùng ca sáng ngày 29/5 đều chung tình trạng như bà, thậm chí có người đã tử vong.
Còn bệnh nhân Trần Văn Quang (TP.Hòa Bình) - một trong những người may mắn thoát chết trong sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 7 người tử vong cho tới thời điểm này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sởn gai ốc kể lại: Sáng 29/5, tôi cùng 17 bệnh nhân khác được chạy thận tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, được khoảng gần 1 tiếng thì xảy ra sự cố.
Lúc đó tôi đang lơ mơ ngủ thiếp đi thì tự dưng thấy nóng ran người, nhức đầu, buồn nôn, buồn đi vệ sinh, rồi dậy cái là nôn luôn, người hết sức khó chịu, ngoảnh sang xung quanh thì thấy rất nhiều bệnh nhân khác cũng bị tương tự. Các bác sĩ vội vàng cho dừng tất cả các máy chạy thận và khẩn trương cấp cứu cho các người bệnh. 9 năm chạy thận, thi thoảng tôi cũng bị một vài triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu trong lúc đang chạy máy, nhưng chưa bao giờ có cảm giác khác hẳn như lần này”.
TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo - BV Bạch Mai
Trao đổi với báo Công lý, TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, 10 bệnh nhân cùng ca chạy thận sáng 29/5 đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm, 5 bệnh nhân được xếp điều trị tại Trung tâm Chống độc, 5 bệnh nhân được xếp vào Khoa Thận nhân tạo.
Hiện tại 10 bệnh nhân này đã tạm ổn định và được sắp xếp lọc máu chu kỳ tại Hà Nội. Các xét nghiệm hiện chưa có thay đổi đặc biệt ngoài tình trạng suy thận mãn. Bệnh nhân đang được theo dõi xét nghiệm thường xuyên để phát hiện bất thường và kịp thời xử lý, TS Dũng cho biết.
Liên quan đến sự việc, Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ triển khai phương án hỗ trợ toàn diện về trang thiết bị, chuyên môn để Khoa Ðiều trị lọc máu (BVĐK Hòa Bình) nhanh chóng ổn định, hoạt động trở lại, giúp hơn 100 người bệnh chạy thận nhân tạo đang điều trị tại BV không phải vất vả hai ngày một lần vượt hàng trăm km xuống Hà Nội để thực hiện kỹ thuật này.
Trước đó, sáng ngày 29/5, tại Khoa điều trị lọc máu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận, điều trị lọc máu chu kỳ cho 18 bệnh nhân. Sau khi thực hiện quy trình lọc máu được khoảng 2 giờ, 18 bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ. Sau khi phát hiện sự việc, các bác sĩ đã dừng điều trị và tập trung cấp cứu các nạn nhân. Tuy nhiên, đến 23h cùng ngày, đã có 7 nạn nhân tử vong. Hiện còn 1 bệnh nhân nữ cũng đang trong tình trạng nguy kịch và đang được các bác sĩ nỗ lực để cứu chữa, hy vọng giành lại mạng sống cho bệnh nhân. 10 bệnh nhân nghi sốc phản vệ còn lại đã được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm. Ngày 30/5, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án làm 7 người chết trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. |
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.