Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo ung thư Việt – Pháp lần thứ 2 với chuyên đề về ung thư phổi do Bệnh viện K tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng tại các nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Năm 2018 cả nước ghi nhận 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn nên việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia cho biết thêm, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này.
Toàn cảnh hội thảo
Các chuyên gia của Bệnh viện K cũng cho hay, ung thư phổi là bệnh rất khó phát hiện sớm. Vì thế, hầu hết khi phát hiện, bệnh đã nặng. Thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư phổi dù đã được điều trị cũng không dài. Tỷ lệ tử vong chiếm tới 80-90%.
Đáng nói là đã có nhiều bệnh nhân bị ung thư phổi khi còn trẻ, trong đó có em bé mới 15 tuổi và đã tử vong; hiện bệnh viện đang điều trị một bệnh nhân 25 tuổi. Hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động được xác định là nguyên nhân ung thư phổi ở những người trẻ.
Vì thế, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi là vấn đề hết sức quan trọng, cần nhận được nhiều sự quan tâm của ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung.
Tại Việt Nam, các liệu pháp mới trong điều trị nội khoa, đặc biệt là việc áp dụng liệu pháp điều trị trúng đích trong điều trị ung thư phổi đã mang lại những kết quả khả quan. Có những bệnh nhân ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn, khi có đột biến gen nhưng điều trị đích đã kéo dài được cuộc sống, có trường hợp sống được 5-6 năm dù không nhiều.
Đặc biệt, gần đây nhất là liệu pháp điều trị miễn dịch được một số bệnh viện áp dụng, đây là một tiến bộ lớn của y học giúp kéo dài thêm cuộc sống cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi ở giai đoạn muộn.
GS Thuấn cũng khuyến cáo, đối tượng mắc ung thư phổi chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động. Vì vậy, những người từ 50 tuổi trở lên, những đối tượng có nguy cơ cao như: Người hút thuốc lá, người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động… nên chủ động đi tầm soát ung thư khoảng 6 tháng - 1 năm/lần.